Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định

Hơn 300 năm qua, người dân làng Phú Gia đã gắn liền với nghề làm nón ngựa, một sản phẩm độc đáo của miền đất võ Bình Định.
Ở làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, bên những rặng tre yên ả và những cây rơm còn thơm mùi rạ, hơn 300 năm qua, người dân nơi đây đã gắn liền với nghề làm nón ngựa, một sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của miền đất võ Bình Định. Hiện nay, chiếc nón ngựa Phú Gia đã trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo với nguyên vẹn cốt cách ban đầu. Nếu như chiếc nón Bài Thơ của xứ Huế vốn đã nổi tiếng với sự thanh lịch khi lồng trong lớp lá là hình ghép hoa lá cùng những câu thơ, câu văn thì nón ngựa Phú Gia là loại nón mang vẻ đẹp mạnh mẽ của con nhà võ, thường được thêu hoa văn theo các đề tài Long Lân Quy Phụng, Lưỡng Long Tranh Châu, Mai Lan Cúc Trúc hoặc cảnh vật trên nang sườn nón. Ở vùng đất võ Bình Định, những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón, được giới quan lại, địa chủ dùng để đội khi cưỡi ngựa chính là lý do chiếc nón Phú Gia được gọi là nón ngựa.
Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định ảnh 1
Ông Đỗ Văn Lan, 63 tuổi, 50 năm làm nghề, hiện là Tổ trưởng làng nghề nón ngựa Phú Gia cho biết, để làm được một chiếc nón ngựa, người thợ phải trải qua 20 công đoạn. Trong đó, các công đoạn chính là tạo sườn mê, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá chăm chỉ. Mỗi công đoạn có một nhóm người làm theo hình thức chuyên môn hóa.
Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định ảnh 2
Đặc biệt, nguyên liệu làm nón ngựa phải rất kỹ lưỡng. Lá kè (còn gọi là lá cọ) để lợp nón phải phơi nhiều nắng rồi phơi thêm vào sương đêm cho lá bớt độ giòn. Còn cây giang để làm sườn nón thì nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ ra thành cây tăm nhỏ và đều. Để chằm nón, trước đây người ta tước lấy phần tơ của lá cây dứa sau khi ngâm nước vài ngày rồi đem phơi khô nhưng ngày nay đã thay bằng cước nhỏ có chất liệu nylon khiến cho chiếc nón ngựa có đường nét thanh nhã hơn. Tuy vậy, để tăng tuổi thọ và giúp cho hiệu quả sử dụng nón tốt hơn, lá kè, giang hay lá dứa đều phải được chọn vào đúng mùa của nó, tức cuối Đông đầu Xuân.
Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định ảnh 3
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Đỗ Văn Lan, từ các bà, các chị cho đến những cô bé, cậu bé đang tuổi đi học đều đang khẩn trương hoàn thành từng công đoạn làm nón của mình. Em Nguyễn Thị Cẩm Bình, học lớp 11, cháu ông Lan kể: “Em biết làm nón từ 5 tuổi, đến nay thì em có thể làm thành thạo một chiếc nón, cả việc trang trí cho nón ngựa. Sau này, dù vào đại học, rồi đi làm, có thời gian em sẽ vẫn tiếp tục làm những chiếc nón ngựa truyền thống này cho quê hương.” Theo ông Đỗ Văn Lan, người dân Bình Định vốn rất tự hào về hình ảnh chiếc nón ngựa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc bởi xét trên bình diện lịch sử, từ thời Quang Trung, nón đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn. Đang say sưa nói về nón ngựa, ông Đỗ Văn Lan bỗng đưa cho chúng tôi xem một chiếc nón ngựa còn nguyên, ánh lên màu thời gian. Không giấu được vẻ bùi ngùi pha lẫn tự hào, ông Đỗ Văn Lan nói: “Đây là chiếc nón kỷ vật mà mẹ tôi đã đội suốt 45 năm khi đi giỗ chạp, cưới hỏi, chính bố tôi đã tự tay chọn nguyên liệu rồi chằm nón cho mẹ. Giờ thì mẹ tôi mất đã 5 năm, độ tuổi chiếc nón tròn nửa thế kỷ, tôi để thờ mẹ như một bảo vật gia đình và muốn nhắc nhở con cháu luôn biết gìn giữ những giá trị truyền thống của ông cha."
Nón ngựa Phú Gia - một nét văn hóa đất võ Bình Định ảnh 4
Trước mắt chúng tôi, chiếc nón còn rất chắc chắn, vành cứng, chỉ thêu còn nguyên màu, rõ hoa văn, chữ nghĩa, lá chưa sờn… Ông Đỗ Văn Lan bên bàn thờ gia tiên và chiếc nón gia bảo của bố ông, bằng tình thương yêu vợ, bố ông đã làm để tặng cho mẹ ông. Tùy vào chất lượng mà nón ngựa Phú Gia hiện có giá dao động từ 50.000-80.000 đồng/chiếc, nón ngựa làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá 300.000-400.000 đồng/chiếc. Nón ngựa không chỉ có giá trị về mỹ thuật, là di sản văn hóa mà còn là một trong những sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục Bình Định, nhất là đối với cô dâu trong ngày cưới. Đặc biệt, kể từ khi Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định lần đầu năm 2006, rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu làng nghề nón ngựa Phú Gia, hầu hết đều thích loại nón này và khen ngợi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ làm nón ngựa. Từ đó, sản phẩm nón ngựa Phú Gia đã được các du khách quốc tế đặt hàng, mang về nước làm kỷ niệm trong lần tới thăm vùng đất võ Bình Định, Việt Nam./.
(Báo Ảnh/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục