Nông dân Đồng Nai nguy cơ "trắng tay" do thời tiết thất thường

Thời tiết quá bất thường không theo quy luật nào khiến nhiều diện tích cây công nghiệp lâu năm với giá trị kinh tế cao của nông dân đang kỳ ra hoa nhưng không thể kết trái hoặc bị chết hàng loạt.
Nông dân Đồng Nai nguy cơ "trắng tay" do thời tiết thất thường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, thời tiết tại Đồng Nai diễn biến bất thường. Dù là mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh mưa liên tục xuất hiện với lượng lớn.

Khí hậu biến đổi nhanh khiến nhiều diện tích cây công nghiệp lâu năm với giá trị kinh tế cao của nông dân đang kỳ ra hoa nhưng không thể kết trái và bị chết.

Năng suất, sản lượng cây trồng chỉ đạt khoảng 30% so với những mùa vụ trước.

Dẫn chúng tôi đi “thị sát” vườn cây xoài, điều rộng 24ha, bà Nguyễn Thị Kim Mai ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai luôn thở dài.

Trên một vùng đất rộng lớn, toàn bộ điều và xoài của bà Mai đều phát triển tốt, xanh tươi ngút ngàn, tuy nhiên, điều trổ bông nhưng gặp mưa trái mùa nên nhiễm nấm, thán thư khiến bông bị khô.

Trên những cây xoài quả chỉ lác đác, dưới đất hoa rụng chi chít.

Theo bà Mai, gia đình bà có 14ha xoài và 10ha trồng điều. Những năm trước, mỗi năm 1ha xoài của cho sản lượng trên 15 tấn, với giá bán trung bình 40.000 đồng mỗi kg, bà thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi ha mỗi năm.

Ngoài ra, vườn điều luôn cho sản lượng khoảng 2 tấn mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, 10ha điều cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, thời tiết biến đổi lạ thường, năng suất, sản lượng xoài, điều của gia đình bà Mai sụt giảm trầm trọng.

Bà Mai than thở, thời tiết năm nay quá bất thường, không theo quy luật nào.

Từ tháng 8 – 11/2016, mưa liên tục khiến xoài dù ra rất nhiều hoa nhưng không thể đậu trái. Tết Nguyên đán những năm trước, gia đình bà bán hàng chục tấn xoài, thu về hàng trăm triệu đồng, nhưng Tết Đinh Dậu 2017 thì mất trắng.

Từ tháng 12/2016, mưa giảm, xoài bắt đầu ra hoa, nhưng những ngày Tết Nguyên đán 2017 lại mưa, hoa tiếp tục rụng.

Thời tiết mấy hôm nay đã nắng trở lại nhưng năng suất vụ này chỉ đạt khoảng 30% so với những vụ trước.

Còn cây điều gặp mưa trái mùa nên hư bông, trước đây mỗi héc ta năng suất đạt 2 tấn mỗi năm, nay chỉ đạt khoảng 700kg.

Huyện Định Quán được coi là thủ phủ xoài của tỉnh Đồng Nai với diện tích gần 6.000ha.

Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, thương lái ầm ầm đổ về đây, cảnh mua bán diễn ra tấp nập cả ngày lẫn đêm.

Nhiều lao động được thuê để đóng thùng, bốc xoài lên xe tải đưa đi nơi khác tiêu thụ. Năm nay, xoài không đậu trái, không chỉ người trồng trắng tay mà những người làm việc thời vụ cũng mất đi thu nhập.

Anh Trần Văn Phương ở ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán cho biết: “Những vụ xoài năm trước, từ tháng 1 – 3, tôi được người ta thuê đi bốc xếp xoài xe tải, mỗi đêm làm 4 giờ đồng hồ, họ trả 150.000 đồng. Năm nay, xoài mất trắng, tôi và nhiều lao động khác cũng chẳng có việc làm, đời sống khó khăn.”

Mọi năm, sau Tết Nguyên đán là các vườn chôm chôm ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) ra bông, trái non, năm nay, mưa bất thường khiến cây trồng phát triển không theo quy luật, những vườn chôm chôm của nông dân vẫn xanh tươi, ra đọt non nhưng chưa có bông.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc (thị xã Long Khánh) lo lắng, nếu những ngày tới nắng ấm, chôm chôm sẽ ra trái, còn nếu mưa thì chưa biết thế nào.

Vụ hè năm nay, trái chôm chôm của nông dân Long Khánh sẽ vào vụ trễ từ 2 – 3 tháng so với mọi năm, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến mùa mưa.

Bên cạnh chi phí đầu tư tăng, nông dân sẽ đối mặt với hàng loạt bất trắc như dịch bệnh tăng, năng suất giảm.

Từ nay đến cuối năm, nếu mưa trái mùa tiếp tục xuất hiện thì vụ chôm chôm năm nay sẽ thất bại nặng.

Thời tiết nắng mưa bất thường, không theo quy luật như trước cũng khiến người trồng hồ tiêu ở Đồng Nai lao đao.

Nhiều hộ vì trồng tiêu ở vùng đất khó thoát nước nên bị thối gốc, chết hàng loạt. Anh Trần Văn Hoành (ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) buồn bã cho hay: “Gia đình tôi có 10.000m2 hồ tiêu đang thu hoạch năm thứ 2. Trước đây, mỗi năm năng suất trên 5 tấn, với giá bán khoảng 150.000 đồng mỗi kg, tôi thu lợi hơn 600 triệu đồng mỗi năm. Những ngày cuối tháng Một, tôi bón phân cho hồ tiêu theo quy trình chăm sóc nhưng sau đó trời liên tục mưa, hồ tiêu của gia đình bị thối gốc, 70% hồ tiêu bị chết. Biết bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào hồ tiêu giờ mất trắng."

Theo anh Hoành, hồ tiêu được coi là cây “vàng,” song chi phí đầu tư rất lớn. Để trồng được 1 trụ tiêu xuống đất, nông dân phải bỏ ra trên 200.000 đồng (thuê nhân công làm đất, mua cây giống, nọc).

Hồ tiêu từ khi trồng đến khi thu hoạch là 4 năm. Trong thời gian này, một hecta tiêu nông dân phải chi phí từ 600 – 800 triệu đồng.

Sắp tới, gia đình anh sẽ phải vay tiền ngân hàng để trồng lại số tiêu bị chết.

Điều anh lo nhất là thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường, nhiều loại sâu bệnh sẽ phát triển trên cây tiêu, nông dân không thể tự ứng phó được.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 172.400 ha cây trồng, trong đó có gần 11.500ha xoài, khoảng 40.000ha điều, hơn 11.000 ha chôm chôm và khoảng 14.300 ha hồ tiêu.

Đợt thời tiết diễn biến bất thường dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh có hàng chục nghìn hecta điều, xoài bị nhiễm bệnh, ra hoa nhưng không đậu trái.

Do mưa trái mùa nên toàn bộ chôm chôm ở Đồng Nai mới ra đọt non, chưa ra bông.

Đối với hồ tiêu, Đồng Nai ghi nhận một số diện tích bị chết, nguyên nhân do mưa nhiều, ở vùng thấp trũng, nước ứ đọng dưới gốc; bón phân không đúng cách.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng Đồng Nai đã thành lập các đoàn trực kiểm tra, hướng dẫn nông dân phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Với diện tích xoài đã bị đen bông thì người dân không nên cho ra hoa tiếp vì dễ bị dịch hại, cho sản lượng và giá bán không cao.

Trên cây chôm chôm, người trồng lưu ý sử dụng chất điều hòa sinh trưởng, các biện pháp kỹ thuật khi cây bắt đầu phân hóa mầm hoa và để bảo vệ hoa và trái non.

Biến đổi khí hậu sẽ còn xảy ra trong những năm tới, để nông dân thích nghi, ứng phó kịp thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai sẽ mở các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho người dân.

Khi được trang bị kiến thức khoa học, nông dân sẽ biết cách khắc phục, hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục