Dưa hấu, hành tím, thịt lợn: Thu mua 5-10 tấn không phải là chiến lược

Nông dân thành cổ đông nhà máy: "Hướng đi bền vững cho nông nghiệp"

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, chuyện giải cứu nông sản do bất cập từ quy hoạch đến sản xuất và để giải quyết căn cơ cần ​có chính sách mạnh trong đó giúp người nông dân thành cổ đông của nhà máy.
Nông dân thành cổ đông nhà máy: "Hướng đi bền vững cho nông nghiệp" ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

"Được mùa mất giá" - câu chuyện nan giải của ngành nông nghiệp. Khi ​nói về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, việc liên tục phải giải cứu nông sản là do ​bất cập từ khâu quy hoạch ​cũng như cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của nhiều người dân.

Chia sẻ với VietnamPlus, chuyên gia này cũng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó ông nhấn mạnh đến chính sách giúp người nông dân trở thành những cổ đông của nhà máy, tạo ra hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp.


- Vừa qua, hết dưa hấu, hành tím rồi đến thịt lợn phải giải cứu, đây là chuyện không mới nhưng vẫn liên tục lặp lại, vậy theo ông chúng ta đang gặp trở ngại từ đâu?

Ông Vũ Vinh Phú: Đây là chuyện mạn tính cả chục năm nay, chuyện giải cứu theo tôi cũng chỉ nhằm động viên cho nông dân nhưng việc này sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của ngành chăn nuôi và nông nghiệp.

Kinh nghiệm của nhiều nước là Chính phủ sẽ ban hành chính sách miễn phí dự trữ cho các loại hàng hóa như: thủy sản, gạo, hoa quả hỗ trợ cho người nông dân và cho các trang trại.

Từ thực tế này, Việt Nam cũng cần nghiên cứu lại chính sách cho nông nghiệp, thậm chí xem xét việc đầu tư tiền để cứu bà con nông dân một cách chiến lược chứ không phải chỉ để thu mua 5-10 tấn dưa hầu hay chục tấn gừng..

Ở đây, chúng ta phải quy hoạch lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất để đưa các sản phẩm như dưa hấu, gừng, chuối... có thể cạnh tranh được.

Qua câu chuyện giải cứu dưa hấu vừa qua, đã có thông tin phản ánh chất lượng của dưa không được cao dù thương bà con nông dân thật và từ câu chuyện chất lượng thì chúng ta phải suy nghĩ, nếu cứ làm theo đại trà và phong trào thì chắc chắn chúng ta sẽ chịu trận.

Mới đây ngân hàng ADB đã đưa ra báo cáo, theo đó họ khuyến nghị Việt Nam phải thay đổi cơ bản nền nông nghiệp mới có cơ hội để phát triển thành một nước tiên tiến.

Trong khi đó, về phía cá nhân, từ nhiều năm trước tôi cũng đề xuất, Việt Nam phải đi lên từ kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp. Việc một ngư dân đi biển trong 1 tuần đã thu về hàng trăm tấn cá thu, như vậy là rất hiệu quả. Còn nếu như những tiềm năng từ đất đai đến biển cả, sông ngòi mà không biết cách tận đụng thì khó khăn là đương nhiên.

Thực tế, với một hộp cá trích chỉ 1 lạng thôi nhưng bán ra tới 20.000 đồng/hộp, hay cá thu đóng hộp đều rất có giá trị rất cao, vậy vì sao chúng ta đang thừa nhiều sản phẩm nhưng công nghiệp chế biến lại không làm, trong khi nước dưa hấu rồi nước chuối, hộp cá thu... chỉ để vài tiếng sẽ ôi thiu và không bán được, đây là lỗi của chúng ta.

Nông dân thành cổ đông nhà máy: "Hướng đi bền vững cho nông nghiệp" ảnh 2Ông Vũ Vinh Phú đang chia sẻ với VietnamPlus về câu chuyện giải cứu nông sản. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

- Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, mới nhất là việc mở rộng, tích tụ hạn điền, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vậy ông đánh giá ​như thế nào để có thêm sức lan tỏa?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi chính sách ban hành ra phải rất cụ thể và có thể áp dụng được ngay, nếu không chúng ta sẽ mất thời cơ để thực hiện.

Đơn cử với chính sách mở rộng hạn điền, đây là chính sách rất đúng nhằm thúc đẩy sản xuất lớn, nhưng phải đánh giá xem từ khi chính sách đưa ra ​nhưng ​khi về tới địa phương liệu có vấn đề gì cần giải quyết hay không, trong trường hợp có vướng mắc thì cần tháo gỡ một cách đồng bộ và nhanh chóng.

- Vậy đâu là "chìa khóa" thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển cần?

Ông Vũ Vinh Phú: ​Cần phải có chính sách để giúp người nông dân thành cổ đông của nhà máy, gắn lợi ích của người nông dân có đất vào nhà máy. Đây là tư liệu sản xuất cuối cùng của người nông dân do vậy không nên áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc để giải quyết nếu không sẽ lại thất bại.

Thực tế, ​việc nông dân trở thành cổ đông của nhà máy không phải ít và mô hình này đã phát huy được hiệu quả. ​Đơn cử ở nhà máy đường, khi người nông dân đã là những thành viên của doanh nghiệp rồi thì sản phẩm của họ khi thu hoạch sẽ được làm rất cẩn thận ​và chi phí cũng giảm ​xuống.

- ​Nhưng vẫn có chuyện khi giá cao lại xảy ra hiện tượng "cắt kèo" và ép giá, theo ông để giải quyết vấn đề trên và hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp cần phải có những yếu tố nào nữa?

Ông Vũ Vinh Phú: Đây là câu chuyện kỷ luật thị trường còn kém, dễ làm khó bỏ, được giá thì một là nhà máy bỏ hoặc người nông dân bỏ hợp đồng. Do vậy, khi gắn lợi ích của nhà máy với quyền lợi người nông dân thì chắc chắn sẽ không có chuyện "bỏ kèo".

Còn việc giải cứu chỉ chiếm 1% trong khi 99% còn lại thì cần biện pháp căn cơ hơn đó là quy hoạch lại sản xuất cũng như làm tốt hệ thống phân phối.

​Ở đây cần sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ để ​có ​cách giải quyết một cách toàn diện ​và khi chính sách đưa ra phải sát với thực tiễn, áp dụng được ngay.

- Xin cảm ơn ông./.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nói về quy hoạch ngành nông nghiệp
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục