Nông dân trồng càphê không mặn mà với gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng

Các hộ dân trồng càphê ở Đắk Lắk có kế hoạch tái canh 4.423ha càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh nhưng lại không mặn mà với gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng.
Nông dân trồng càphê không mặn mà với gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng ảnh 1Thu hoạch càphê. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Mùa mưa năm nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê ở Đắk Lắk có kế hoạch trồng tái canh 4.423ha càphê già đã cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, phần lớn các nông hộ chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay mượn bạn bè, người thân, thậm chí có nơi còn vay ngoài để đầu tư trồng tái canh càphê, không “mặn mà” với nguồn vốn vay của Agribank (Agribank) trong gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng.

Gia đình Nguyễn Văn Long, ở huyện Krông Năng ở 3,7ha càphê kinh doanh, trong đó 1,7ha đã hết chu kỳ kinh doanh (gần 23 năm), năng suất chỉ đạt bình quân 2 tấn càphê nhân/ha. Gia đình quyết định chặt bỏ luân canh các cây trồng ngắn ngày khác để trồng tái canh lại càphê. Tuy nhiên, diện tích càphê của gia đình không nằm trong vùng quy hoạch, muốn vay vốn phải lập dự án, với nhiều thủ tục rờm rà. Vì vậy, anh Long chỉ vay tiền của người thân để trồng tái canh lại từng phần.

Tương tự, gia đình chị H’Loan Niê, ở xã Ea Đrơng ở huyện Cư M’gar cho rằng nguồn vốn vay của ngân hàng không những có lãi suất quá cao mà thủ tục rờm rà. Gia đình chị không biết lập dự án nên đành vay tiền của người thân cùng với số vốn để dành từ trước thực hiện trồng tái canh lại gần 1,4ha càphê đã già cỗi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng khó khăn do lãi suất cho vay đầu tư tái canh cây càphê còn quá cao, từ 9-9,5%/năm. Mức lãi suất này tuy thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1,5-2%/năm nhưng thực tế đây là mức lãi suất còn cao trong lĩnh vực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, quy trình cho vay, sự lo ngại về hiệu quả tái canh cũng làm cho việc giải ngân của Agribank hạn chế.

Mặc dù, chương trình gói hỗ trợ để tái canh càphê này được triển khai từ năm 2013, với mức vay tối đa 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh, thời hạn cho vay là 8 năm, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm tính từ thời điểm khách hàng và Agribank ký hợp đồng vay vốn.

Phương pháp ghép cải tạo càphê được vay tối đa 80 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 4 năm; trong đó, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được gần 100 tỷ đồng trong tổng mức 3.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ tái canh càphê đã cam kết.

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tín dụng ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với vay nông nghiệp, nông thôn từ 1-2%/năm. Thậm chí, lãi suất cho vay đầu tư trồng tái canh càphê nên còn 5-6%/năm; đồng thời, ngân hàng giảm bớt các thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện thu hút các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh càphê mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng tái canh càphê.

Địa phương cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ trồng tái canh cây càphê như ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như quy hoạch, kế hoạch, xây dựng vườn giống, cây giống, hoàn thiện quy trình kỹ thuật. Chính sách miễn thuế hoặc giảm thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp cũng cần có trong thời gian thực hiện cải tạo đất, tái canh ở dạng kiến thiết cơ bản.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích càphê nhiều nhất nước, với diện tích trên 204.000 ha; trong đó, diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, kém hiệu quả kinh tế đã lên đến hàng chục nghìn hécta.

Chỉ riêng từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch trồng tái canh trên 27.775ha càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, kém hiệu quả kinh tế và đến nay các nông hộ, doanh nghiệp đã trồng tái canh 11.300ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục