Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng và cân bằng thị trường

Năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức, vậy nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng và cân bằng thị trường?
Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng và cân bằng thị trường ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo chưa giảm hơn so với năm 2016. Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để giải bài toán tăng trưởng và cân bằng thị trường xuất khẩu-nội địa?

Đây là một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2017, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội.

Trả lời cho vấn đề đưa ra, ông Nguyễn Trung Kiên – Bộ môn Nghiên cứu thị trường và Ngành hàng (IPSARD) cho rằng, đối với bài toán tăng trưởng, ngành nông nghiệp cần cần có tầm nhìn vượt lên trên hoạt động sản xuất ngành, kết hợp với ẩm thực, văn hóa, du lịch để tạo ra những cơ hội và động lực mới.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, ngành nông nghiệp cần có sự hợp tác đa ngành, đa cấp để xác định đúng-đủ các động lực tăng trưởng chính của ngành, bao gồm đất đai, lao động, nước, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), để điều phối các nguồn lực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

“Đặc biệt, bên cạnh việc tăng cường hợp tác song song với cạnh tranh quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện tái định vị và xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế,” ông Kiên cho hay.

[Bị cạnh tranh, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước ngã ba đường]

Cụ thể, ông Kiên cũng cho biết, việc định vị và xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua vấn đề công nhận và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong ngành nông nghiệp. Theo đó, hợp tác với doanh nghiệp trong tiếp thị nông sản gắn với di sản, văn hóa, môi trường và xây dựng thương hiệu gắn với tiếp thị, bảo hộ pháp lý, quản lý chất lượng và chỉ dẫn địa lý.

Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng và cân bằng thị trường ảnh 2Các chuyên gia tham gia và bàn luận tại tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2017. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Đối với bài toán cân bằng thị trường xuất khẩu-nội địa, ông Kiên cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp cần hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra kênh truyền thông lớn, tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, để khôi phục và củng cố niềm tin của người tiêu dùng nội địa với nông sản Việt.

“Đồng thời, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường ngách cho nông sản, lương thực, thực phẩm cho các nhà sản xuất có năng lực,” ông Kiên nói.

[Mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản]

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, phải tư duy căn bản về cách phát triển nông nghiệp, nông thôn, bởi lâu nay sản xuất nông nghiệp chỉ chú trọng nhiều đến sản lượng.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, vấn đề đặt ra là đã xác định được nguyên nhân nhưng cách làm ra sao để thay đổi, trong đó khó khăn nhất là chính sách về đất đai, vốn, đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến vai trò doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

“Cần chú trọng đến sự đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Lâu nay, sản xuất nông nghiệp chỉ có nông dân với Nhà nước, nông dân bị động loay hoay sản xuất và tiêu thụ hầu như không được đầu tư. Doanh nghiệp hiện nay là chủ lực và mang tính giải cứu nhiều mặt hàng nông sản. Nhiều mặt hàng thời gian qua như: dưa hấu, chuối, thịt lợn phải giải cứu nguyên nhân là do chưa có doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp ở đây là những doanh nghiệp làm bài bản theo chuỗi, không mang tính đầu cơ,” chuyên gia Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng và cân bằng thị trường ảnh 3Viện trưởng IPSARD Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho nông sản để tăng khả năng cạnh tranh. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), hiện nay, bối cảnh thị trường quốc tế với ba vấn đề nổi cộm đang ảnh hưởng tới thương mại nông sản Việt Nam, gồm: các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại toàn cầu, đồng thời tập trung hơn vào phát triển thị trường nội địa. Các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Bối cảnh này ảnh hưởng đến việc duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

IPSARD cũng dự báo thị trường nông sản quốc tế trong năm 2017 và các năm tiếp theo, tiêu dùng nông sản toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn; tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thập kỷ trước.

Cụ thể, giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn, tăng trưởng năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất cây lương thực và thức ăn chăn nuôi.

Do đó, tại Hội thảo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần xác định động lực chính thúc đẩy ngành nông nghiệp đi lên. Trong đó, xác định vị thế và cơ cấu lại từng ngành hàng nông sản trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng, vượt qua những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe cũng như chống lại những cú ‘sốc’ mà thị trường thế giới mang lại cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nông sản xuất khẩu chủ lực, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu cho nông sản và có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu,” Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định./.

Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn trình bày giải pháp cân đối thị trường nông nghiệp
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục