Núi lửa Cotopaxi ở Ecuador có nguy cơ hoạt động mạnh trở lại

Lớp băng tuyết bao phủ phần đỉnh núi lửa Cotopaxi bắt đầu tan chảy, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra những trận lũ quét cùng những dòng bùn, nham thạch phun trào tràn xuống các khu vực dân cư ở phía dưới.
Núi lửa Cotopaxi ở Ecuador có nguy cơ hoạt động mạnh trở lại ảnh 1Núi lửa Cotopaxi. (Nguồn: AP)

Núi lửa Cotopaxi có nguy cơ phun trào nham thạch, đe dọa cuộc sống của gần 325.000 người dân sống xung quanh.

Đây là cảnh báo của giới chức về hoạt động của ngọn núi lửa cao 5.900 mét, nằm cách thủ đô Quito của Ecuador chỉ 45km này.

Người đứng đầu Cơ quan Quản lý rủi ro Ecuador Maria del Pilar Cornejo cho biết lớp băng tuyết bao phủ phần đỉnh núi lửa bắt đầu tan chảy, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra những trận lũ quét cùng những dòng bùn, nham thạch phun trào tràn xuống các khu vực dân cư ở phía dưới.

Sau khi "tỉnh giấc" hôm 14/8 vừa qua, hoạt động bề mặt của núi lửa Cotopaxi hiện ở mức vừa phải, không phun ra những cột tro bụi mới và giải phóng lượng chất lưu huỳnh trong không khí. Tuy nhiên, Viện Địa lý Ecuador cho biết hoạt động bên trong lòng núi lửa đang ở mức độ cao, cảnh báo núi lửa đang trong trạng thái "phun trào thực sự", có những bằng chứng cho thấy các dòng khí và dung nham đang di chuyển trong lòng núi lửa.

Ngày 14/7 vừa qua, núi lửa Cotopaxi thức giấc lần đầu tiên sau nhiều năm, phun cột tro bụi cao tới 8 km kéo theo nhiều cơn địa chấn nhỏ. Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp, triển khai các nguồn lực và lực lượng quân sự để hỗ trợ các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng của núi lửa. Các nhà chức trách phải đóng cửa rừng quốc gia Cotopaxi và cho sơ tán khoảng 500 người dân. Thị trưởng thành phố Quito Mauricio Rodas cho biết sẽ phân phát hơn 1 triệu mặt nạ chống bụi cho người dân để bảo vệ sức khỏe.

Cotopaxi nằm trên dãy Andes và là một trong những ngọn núi lửa cao nhất và nguy hiểm nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Núi lửa này đã phun trào mạnh vào các năm 1877, 1904 và 1942. Từ năm 2003, Cotopaxi đã một vài lần thức giấc nhưng hoạt động với cường độ yếu. Ecuador có nhiều núi lửa vẫn đang âm ỉ như Tungurahua, Guagua Pichincha và Reventador.

Trong khi đó, quân đội Mỹ mới đây đã chấp nhận yêu cầu của giới chức cứu hỏa, triển khai binh sỹ để hỗ trợ dập tắt những đám cháy rừng đang lan khắp miền Tây nước này, thiêu rụi hơn 100 căn nhà tại nhiều bang.

Theo Trung tâm Cứu hỏa quốc gia đặt tại Boise, bang Idaho, 200 binh sỹ được điều động từ Căn cứ Lewis-McChord gần Tacoma, bang Washington, sẽ được phân bổ cho 10 đội lính cứu hỏa. Từ năm 2006, đây là lần đầu tiên lực lượng cứu hỏa phải yêu cầu sự giúp đỡ từ quân đội do không thể kiểm soát những đám cháy bùng lên ở khắp các bang miền Tây với tổng diện tích cháy lên tới 405.000 ha.

Đến nay, hơn 29.000 lính cứu hỏa đã được điều động trên khắp miền Tây nước Mỹ. Thiệt hại về tài sản tập trung chủ yếu ở các bang Idaho, Oregon và Washington với 108 căn nhà cùng nhiều trại gia súc đã bị thiêu rụi kể từ ngày 14/7 vừa qua. Trong khi đó, một người đã thiệt mạng ở phía Bắc bang Idaho tuần trước. Ngoài ra, Montana và California cũng là hai bang có nhiều đám cháy lớn khó kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục