Nước Đức đối mặt với nhiều bất ổn chưa từng có tiền lệ

Người dân quốc gia đầu tàu châu Âu phải đón những ngày đầu Năm mới 2016 trong nỗi ám ảnh về khủng bố với những bất ổn xã hội liên quan tới loạt vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối tình dục.
Nước Đức đối mặt với nhiều bất ổn chưa từng có tiền lệ ảnh 1Lực lượng an ninh Đức được triển khai bên ngoài nhà ga Koln ở Cologne. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chưa khi nào nước Đức thống nhất lại phải cùng lúc đối diện với nhiều mối lo và nguy cơ như lúc này. Người dân quốc gia đầu tàu châu Âu phải đón những ngày đầu Năm mới 2016 trong nỗi ám ảnh về khủng bố với những bất ổn xã hội liên quan tới loạt vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối tình dục nhằm vào phụ nữ xảy ra tại nhiều thành phố ở Đức.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ Đức về tình hình an ninh, nước Đức là "mục tiêu thực sự rõ ràng của bạo lực mang động cơ thánh chiến", và các hành động bạo lực đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhằm vào các mục tiêu nhà nước hoặc dân sự.

Báo cáo đặc biệt lo ngại về mối đe dọa khủng bố theo mô hình loạt vụ đánh bom xả súng tàn bạo vừa qua ở Paris (Pháp), trong đó các vụ tấn công có nguy cơ xảy ra "liên tiếp và có thể kéo dài nhiều ngày" nhằm vào hàng loạt mục tiêu khác nhau bằng súng đạn, chất nổ hoặc bom.

Bộ Nội vụ Đức nhận định những kẻ tấn công có thể là những cá nhân hoặc các nhóm độc lập, trong đó mối đe dọa lớn nhất chính là các chiến binh đến từ Syria và các đối tượng từng tham gia thánh chiến đã trở về Đức.

Nguy cơ trên thực sự đáng quan ngại khi có trên 850 người Đức đã tham gia các nhóm khủng bố, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó trên 300 người nay đã trở lại nước Đức.

Nguy hiểm hơn khi các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu thời gian qua phần lớn là do những đối tượng là người tị nạn trà trộn vào "lục địa già" trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện, điển hình là vụ khủng bố ở Paris có sự tham gia của một phần tử đánh bom liều chết là người tị nạn dùng hộ chiếu giả để vào châu Âu.

Vụ đánh bom liều chết mới nhất xảy ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), làm 10 du khách Đức thiệt mạng, cũng được xác định do một đối tượng tị nạn người Syria tiến hành.

Mặc dù Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Heiko Maas tuyên bố không có dấu hiệu cụ thể về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở nước này, rằng tình hình an ninh Đức không có gì thay đổi sau vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ do đã được tăng cường sau các vụ khủng bố ở Paris, song theo các chuyên gia an ninh, tình hình lúc này đã có những thay đổi mạnh mẽ và không loại trừ chủ nghĩa khủng bố đang nhắm mục tiêu tới Đức.

Trong vụ tấn công ở Istanbul, cho tới nay giới chức Đức vẫn khẳng định chưa có cơ sở để nhận định khủng bố nhắm cụ thể vào người Đức, song chuyên gia Günter Seufert thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) cho rằng không phải ngẫu nhiên mà các nạn nhân vụ tấn công đều là người Đức.

Theo ông, IS có ý đồ kích động xung đột bên trong xã hội Đức, đặc biệt sau các vụ gây rối trong đêm Giao thừa ở Cologne. Trong khi đó, chuyên gia về khủng bố Bruno Schirra, người từng đi tới các khu vực của IS, chắc chắn rằng vụ tấn công ở Istanbul rõ ràng nhằm vào người Đức, đồng thời cho rằng tình hình trong vài tuần qua cho thấy Đức đã thực sự là tâm điểm nhắm tới của IS.

Bên cạnh mối lo ngại về khủng bố, Đức cũng đang phải căng sức để giải quyết những bất ổn xã hội trong nước xuất phát từ các vụ gây rối trong đêm Giao thừa ở Cologne và một số thành phố khác của nước này.

Với nhiều người dân Đức, việc tấn công, cướp bóc tư trang và quấy rối tình dục nhằm vào phụ nữ là điều gây sốc, nhất là khi thủ phạm lại là những người tị nạn đến từ Trung Đông, Bắc Phi mà họ đang cưu mang.

Những hình ảnh người dân đứng chật hai bên đường vẫy chào những đoàn xe đầu tiên chở người tị nạn vào Đức đang dần bị xóa mờ bởi một số người tị nạn bất chấp kỷ cương ở một xã hội văn minh. Tỷ lệ người dân ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn theo đó đã giảm mạnh so với hồi tháng 9/2015.

Với các nhà lãnh đạo Đức, mối quan ngại thực sự là giải quyết tâm lý bài ngoại và chống người tị nạn đang gia tăng ở nước này. Trong những ngày qua, hàng loạt vụ đụng độ giữa những người phản đối và ủng hộ người nước ngoài, người Hồi giáo Salafi đã nổ ra ở Đức.

Cảnh tượng đốt phá nhà cửa, xe cộ và chống người thi hành công vụ đã diễn ra tại nhiều nơi. Tư tưởng cực đoan cánh hữu đã có đất để trỗi dậy mạnh mẽ. Tỷ lệ ủng hộ liên minh cầm quyền CDU/CSU (Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo) và SPD (đảng Dân chủ Xã hội) đều giảm, trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) vốn hoài nghi châu Âu đã tăng trở lại.

Phong trào bài người nước ngoài và người Hồi giáo PEGIDA, sau một thời gian im ắng, cũng đã tái xuất hiện mạnh mẽ. Đây cũng là lý do khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel không cảm thấy yên tâm để tới Davos (Thụy Sĩ) dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Phản ứng với tình hình hiện nay, Chính phủ của bà Merkel đã nhanh chóng thông qua các biện pháp siết chặt trừng phạt những kẻ phạm tội, đặc biệt là những người tị nạn ở nước này. Nhà lãnh đạo Đức cũng kêu gọi thực thi quyết liệt nhóm công việc nhằm giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, đó là tháo gỡ nguyên nhân khiến người tị nạn phải đi tha hương, tăng cường bảo vệ khu vực ngoài châu Âu cũng như tuân thủ thực hiện hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn.

Tuy nhiên, những biện pháp bước đầu này dường như chưa giúp giải tỏa được mối lo ngại của người dân về khủng bố và bạo lực, trật tự an toàn xã hội bị đảo lộn. Và những lo ngại đó không phải là không có cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục