Ô nhiễm môi trường ở làng nghề Thừa Thiên-Huế

Tại các làng nghề ở Thừa Thiên-Huế, rác và chất thải từ các cơ sở sản xuất xả trực tiếp ra sông, suối, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, một trong những vấn đề nan giải nhất trong các làng nghề ở Thừa Thiên-Huế là rác và chất thải từ các cơ sở sản xuất đều thải trực tiếp ra ngoài, kể cả sông, suối, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường. 

Ở làng bún Vân Cù (xã Hương Toàn, huyện Hương Trà) hoặc làng bún Ô Sa (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) điều dễ nhận thấy là mùi hôi chua và thối nồng nặc; nước thải từ các lò bún chảy lênh láng ra các kênh mương, vườn tược… thu hút nhiều ruồi muỗi vây quanh.

Tại làng bún Ô Sa hiện có 60 hộ dân tham gia làm bún, trong đó 31 hộ dân sản xuất theo thời vụ, còn lại 26 hộ sản xuất quanh năm và đặc biệt có ba hộ sản xuất có quy mô lớn từ 800-900 kg bún/ngày.

Do vậy, lượng nước thải từ làm bún và chăn nuôi của các hộ dân lên đến gần 260m3/ngày không qua xử lý, nước thải cứ thế trực tiếp tràn lan ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại làng bún Vân Cù có 144 hộ dân, giải quyết khoảng 288 lao động, trong số này chỉ có một hộ sản xuất có quy mô lớn với công nghệ hiện đại, còn lại chủ yếu sản xuất theo hướng thủ công mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tạ bún và thải ra từ 3-5m3 nước thải. Mỗi hộ nuôi thêm khoảng 5-10 con lợn, nước thải chăn nuôi cũng đổ ra vườn, kênh mương.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định đầu tư 8,2 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề làm bún nêu trên; trong đó 5,3 tỷ đồng cho làng nghề bún Vân Cù, số còn lại cho làng nghề bún Ô Sa.

Phương án đầu tư hợp lý nhất tại các làng nghề làm bún ở Thừa Thiên-Huế hiện nay là xây dựng mới các tuyến mương có nắp đậy bêtông cốt thép.

Tỉnh cũng kết hợp với việc vận động mỗi hộ gia đình xây dựng hầm biogas, hồ sinh học và tuyến mương nhỏ dẫn từ các hộ gia đình đấu nối vào hệ thống mương chung, thực hiện trong thời gian hai năm, kể từ tháng 10/2010./.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục