“Ở Việt Nam, ThyssenKrupp đào tạo và vun trồng cho con người”

“Chúng tôi chú trọng chính sách về nhân lực, giữ chân nhân tài. Chúng tôi đầu tư vào đào tạo và vun trồng con người,” CEO ThyssenKrupp AG, ông Heinrich Hiesinger tỏ ra rất tâm đắc về chiến lược này.
“Ở Việt Nam, ThyssenKrupp đào tạo và vun trồng cho con người” ảnh 1Tiến sỹ Heinrich Hiesinger: "Chúng tôi cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam". (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Chúng tôi chú trọng chính sách về nhân lực, giữ chân nhân tài. ThyssenKrupp đầu tư vào đào tạo và vun trồng con người,” Giám đốc điều hành tập đoàn ThyssenKrupp AG Heinrich Hiesinger nhận định và tỏ ra rất tâm đắc về chiến lược này trong cuộc trò chuyện mới đây với báo giới nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tại Việt Nam.

Và theo tiến sỹ Heinrich Hiesinger, vấn đề nhân lực cũng chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của tập đoàn Đức sau 20 năm chính thức đầu tư vào mảnh đất hình chữ S.

ThyssenKrupp, một trong những tập đoàn công nghiệp kỹ thuật lớn nhất thế giới, trong suốt những năm qua đã mang đến những dịch vụ và giải pháp kỹ thuật chất lượng cao cho sự phát triển của Việt Nam.

Người đứng đầu tập đoàn này chia sẻ trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ThyssenKrupp Việt Nam hôm 16/10 tại Hà Nội: “Ngày hôm nay đánh dấu một hành trình đầy ý nghĩa. Chúng tôi tự hào góp phần trong tiến trình phát triển của Việt Nam từ khi gia nhập thị trường này vào năm 1994 và sẽ tiếp tục phát triển cùng với khách hàng nơi đây, nhằm nâng cao giá trị sáng tạo cho đất nước và góp phần vào sự tăng trưởng bền vững theo định hướng công nghệ cao của quốc gia."

“Họ trung thành với chúng tôi”

ThyssenKrupp chính là đại diện cho công nghệ, chất lượng và kỹ thuật xuất sắc của nước Đức. Đó là lời quả quyết của Đại biện lâm thời Sứ quán Đức tại Việt Nam Hans-Jorg Brunner. Ông khẳng định việc đánh giá cao cam kết của ThyssenKrupp khi mang những di sản công nghệ danh tiếng của Đức đến thị trường Việt Nam.

Suốt 2 thập kỷ qua, ThyssenKrupp thực sự có lý do để hài lòng với những dự án, nhà máy và sản phẩm tầm cỡ khắp trong Nam ngoài Bắc. Cụ thể, công ty thang máy của tập đoàn phát triển nhanh nhất cả nước với hơn 2.000 thang cuốn và thang máy đã được lắp đặt, cùng 1,500 thang đang được bảo hành. Thang máy của tập đoàn được sử dụng tại Keangnam Hanoi Landmark Tower - một trong những tòa nhà cao nhất Việt Nam và nhiều công trình trọng điểm trong nước như Lim Tower (Thành phố Hồ Chí Minh), Vincom Megamall (Hà Nội) và Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.

Đạt doanh thu trung bình hàng năm khoảng 150 triệu USD tại Việt Nam, ThyssenKrupp có 3 nhà máy với 5 văn phòng chi nhánh và 3 văn phòng đại diện. Hiện lực lượng lao động của tập đoàn có tay nghề cao trên cả nước, với hơn 50% trong lĩnh vực kỹ thuật.

“Ở Việt Nam, ThyssenKrupp đào tạo và vun trồng cho con người” ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (giữa) đánh giá cao những nỗ lực của ThyssenKrupp để hỗ trợ và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không hẳn trong suốt 20 năm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, thời điểm nào cũng “xuôi chèo mát mái” với tập đoàn. Giám đốc điều hành Heinrich Hiesinger đã bộc bạch rằng với việc đặt niềm tin vào tiềm năng thị trường trong dài hạn, ThyssenKrupp luôn coi thị trường Việt Nam như là một nơi có dân số trẻ, năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự ổn định xã hội.

“Và chúng tôi cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam, tham gia vào việc đào tạo một đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý, họ cũng trung thành với chúng tôi. Chúng tôi tự đặt ra yêu cầu phải tạo cơ hội cho các bạn trẻ, các cán bộ nòng cốt để họ lĩnh hội thêm kiến thức và trở thành cấp quản lý có kinh nghiệm trên toàn cầu,” người đứng đầu tập đoàn toàn cầu này chia sẻ.

Cựu thành viên Hội đồng quản trị Siemens AG, cho rằng khi nói với vấn đề lao động, luôn có sự khác biệt về văn hóa ở nước sở tại. Và dĩ nhiên, việc tiếp cận lao động ở Đức là khác ở Việt Nam.

Chính vì vậy, theo tiến sỹ Heinrich Hiesinger, “ThyssenKrupp luôn tự hào đã đào tạo thành công được một đội ngũ cán bộ quản lý người Việt Nam. Bởi chỉ người Việt Nam thì mới hiểu rõ được văn hóa Việt Nam, biết được nên làm cái gì, nên tránh cái gì. Và nguyên tắc của chúng tôi là đào tạo cho con người, vun trồng cho con người thông qua việc đào tạo, tập huấn cho họ, ‘thử lửa’ cho họ, không chỉ sản xuất, mà kể cả trong lĩnh vực kinh doanh.”

“Ở Việt Nam, ThyssenKrupp đào tạo và vun trồng cho con người” ảnh 3ThyssenKrupp là một trong những nhà cung cấp kim loại lớn nhất tại Việt Nam. (Ảnh: ThyssenKrupp)

Các lãnh đạo ThyssenKrupp cùng chia sẻ quan điểm về sự thành công của tập đoàn trong suốt quá trình phát triển lâu dài tại Việt Nam, mà theo họ, ThyssenKrupp đã có sự thay đổi để thích ứng với thời kỳ mới, thay đổi trọng tâm phát triển vào việc đa dạng hóa các hoạt động của mình, trong các ngành công nghiệp.

4 lĩnh vực then chốt

ThyssenKrupp cho biết trong tương lai tại Việt Nam, tập đoàn đã nhìn nhận 4 lĩnh vực phát triển then chốt; đó là khai mỏ, năng lượng, xây dựng-sản xuất và hóa chất. Trong lĩnh vực thứ nhất và thứ hai, các quan chức tập đoàn khẳng định ThyssenKrupp là một trong những hãng đứng đầu thế giới về thiết bị khai mỏ, cũng như việc xây dựng các nhà máy điện. Và trong lĩnh vực xây dựng, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào sản xuất xi măng, thang máy. Tiến sỹ Heinrich Hiesinger cũng tiết lộ rằng tập đoàn đang rất quan tâm tới ngành sản xuất cấu kiện máy nông nghiệp và xe gắn máy.

Liên quan tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, từ tháng 9/2014, Chính phủ đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngành công nghiệp này với nhiều ưu đãi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Vietnam+ về việc ThyssenKrupp có kế hoạch tham gia ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, tiến sỹ Heinrich Hiesinger cũng thẳng thắn: “Là một nhà đầu tư, chúng tôi luôn đặt câu hỏi, liệu có thị trường cho mặt hàng đó không. Vì chỉ có thị trường mới có thể tạo tiềm năng cho lợi nhuận.”

Trưởng đại diện ThyssenKrupp AG tại Việt Nam, bà Silke Klausen cũng cho biết ngành công nghiệp phụ trợ liên quan nhiều đến lĩnh vực vật liệu của tập đoàn. Trong lĩnh vực này, bà Silke Klausen nói rằng tập đoàn rất quan tâm để phối hợp với các đối tác của của mình, giúp đỡ họ nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm của họ, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

“Ở Việt Nam, ThyssenKrupp đào tạo và vun trồng cho con người” ảnh 4CEO ThyssenKrupp Heinrich Hiesinger cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thăm nhà máy Micco. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm 17/10, tập đoàn công nghiệp danh tiếng của nước Đức đã ghi dấu ấn kỷ niệm 20 năm đầu tư tại Việt Nam bằng Lễ chào mừng khởi động thành công Nhà máy sản xuất Amon Nitrat-MICCO tại tỉnh Thái Bình cùng sự hiện diện của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải và hơn 100 đại biểu.

Đây là một dự án Tổng thầu EPC trọng điểm (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) được hoàn thành đúng thời hạn bởi một liên doanh dưới sự lãnh đạo của ThyssenKrupp. Dự kiến được đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2015, nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn MICCO sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu Amon Nitrat của cả nước.

Những dự án và đóng góp nổi bật của ThyssenKrupp:

-Là một trong những nhà cung cấp kim loại lớn nhất tại Việt Nam với danh mục đầu tư đa dạng, mang chất lượng đẳng cấp thế giới.

- Là thương hiệu được biết đến với năng lực cung cấp máy móc và hệ thống tối tân tại Việt Nam, ThyssenKrupp có 13 nhà máy hóa chất, xi măng được xây dựng trên toàn quốc và đã cung cấp một số lượng lớn máy móc thiết bị công nghệ cho ngành công nghiệp xi măng, khai thác mỏ và mía đường. 6 nhà máy xi măng đã được xây dựng đang đóng góp trên 20% tổng công suất xi măng tại Việt Nam.

- Là đối tác quan trọng trong Dự án Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn với đường ống dẫn khí dài 370km, công suất tối đa 7 tỷ mét khối mỗi năm.

Sơ lược về tập đoàn ThyssenKrupp AG:

- ThyssenKrupp có khoảng 160,000 nhân viên tại gần 80 quốc gia trên thế giới.

- Trong năm tài chính 2012/2013, ThyssenKrupp đạt doanh thu khoảng 39 tỷ euro.

Sơ lược về ThyssenKrupp tại châu Á - Thái Bình Dương:

- Đạt doanh thu khoảng 4,3 tỷ euro trong năm tài chính 2012/2013, chiếm hơn 10% tổng doanh thu của ThyssenKrupp.

- Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ là những thị trường lớn nhất trong khu vực.

- ThyssenKrupp hiện có khoảng 23.000 nhân viên ở châu Á-Thái Bình Dương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục