OAS vẫn không thể đạt được sự đồng thuận về tình hình Venezuela

Các nước thành viên của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) một lần nữa đã không đạt được đồng thuận về bất kỳ nghị quyết nào liên quan tới tình hình chính trị rối ren hiện nay tại Venezuela.
OAS vẫn không thể đạt được sự đồng thuận về tình hình Venezuela ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp của OAS về tình hình Venezuela. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, các nước thành viên của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS), đang nhóm họp tại Mexico từ ngày 19-21/6, một lần nữa đã không đạt được đồng thuận về bất kỳ nghị quyết nào liên quan tới tình hình chính trị rối ren hiện nay tại Venezuela.

Trong cuộc họp tham vấn ngày 19/6, các ngoại trưởng thuộc 34 quốc gia thành viên OAS sẽ phải thảo luận và bỏ phiếu 2 nghị quyết về tình hình Venezuela.

Nghị quyết thứ nhất được thúc đẩy bởi 14 quốc gia, trong đó có Mexico và Mỹ, đề nghị Chính phủ Venezuela đưa ra một lịch trình tổng tuyển cử sớm, thành lập một hệ thống tư pháp đặc biệt và thả tự do cho tù nhân chính trị.

[Venezuela công bố chính thức lịch trình cuộc bầu cử địa phương]

Bên cạnh đó, nghị quyết này cũng đề xuất thành lập một nhóm hỗ trợ đối thoại với sự tham gia của một số nước trong và ngoài khu vực nhằm giải quyết bất đồng giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập.

Nghị quyết thứ 2, được 14 quốc gia khác thuộc Cộng đồng các quốc gia Caribe (Caricom) đưa ra, trong đó nhấn mạnh khủng hoảng Venezuela phải được giải quyết thông qua đối thoại và không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Theo quy định, để được thông qua, các nghị trên cần có 2/3 số phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, nghị quyết về đề xuất thành lập nhóm hỗ trợ đối thoại chỉ giành được 20/33 phiếu ủng hộ, 8 phiếu trắng, 5 phiếu chống. Trong khi đó, nghị quyết của Caricom nhận được 8/33 phiếu thuận, 11 phiếu trắng, 14 phiếu chống.

Ngoại trưởng Guatemala Carlos Morales, Chủ tịch cuộc họp tham vấn ngoại trưởng OAS, cho biết các ngoại trưởng sẽ nối lại thảo luận về Venezuela trong thời gian tới song không cho biết thời gian cụ thể.

Theo Ngoại trưởng Guatemala, ông không muốn OAS tiếp tục bị chia rẽ. Các nước cần tìm ra giải pháp nhằm tiếp tục đối thoại và con đường duy nhất tiếp tục cuộc đối thoại này là giữ cho phiên họp mở, không ấn định ngày cụ thể.

Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez cũng đã bỏ ngang cuộc họp tham vấn do không chấp nhận các chỉ trích mang tính can thiệp vào nội bộ nước này và khẳng định Venezuela sẽ không công nhận bất cứ nghị quyết nào được OAS đưa ra liên quan đến tình hình hiện nay tại Venezuela.

Trước đó, ngày 31/5, OAS đã hủy Hội nghị Ngoại trưởng bàn về tình hình Venezuela sau khi không đạt được đồng thuận về những đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này.

Chỉ có 18 trong tổng số 34 ngoại trưởng các nước thành viên OAS tham dự cuộc họp bởi có nhiều bất đồng giữa các quốc gia liên quan tới tình hình của Venezuela. Trong số các nước thúc đẩy cuộc họp có Argentina, Brazil, Canada, Colombia, Mexico và Mỹ.

Venezuela đang phải đối mặt với những diễn biến chính trị phức tạp. Theo thống kê, các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ chính phủ và chống đối trong 2 tháng qua đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng.

Trước tình hình này, ngày 1/5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi soạn thảo một bản Hiến pháp mới, nhưng do một cơ quan được chính người dân lập ra chứ không phải do các đảng phái chính trị tiến hành.

Hai ngày sau đó, Chính phủ Venezuela đã chính thức ra thông báo triệu tập cơ quan sửa đổi Hiến pháp gồm 500 thành viên đại diện cho các tổ chức xã hội nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị và tổ chức bầu cử trong vòng 3 tháng tới.

Liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD), nhóm đối lập lớn nhất tại Venezuela, đã từ chối tham gia cuộc họp này. Những người ủng hộ MUD vẫn tiếp tục xuống đường phản đối đề xuất sửa đổi Hiến pháp của chính phủ và yêu cầu tổ chức bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục