OECD: Khoảng cách giàu-nghèo cao nhất trong vòng 30 năm qua

Hiện ở các quốc gia OECD, thu nhập của 10% số người giàu nhất cao gấp 9,5 lần của nhóm 10% những người nghèo nhất.
OECD: Khoảng cách giàu-nghèo cao nhất trong vòng 30 năm qua ảnh 1Tổng thư ký OECD Angel Gurría phát biểu về sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. (Nguồn: theguardian)

Báo cáo công bố ngày 9/12 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy khoảng cách giàu-nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, tác động xấu lên sự phát triển của các quốc gia này.

Theo báo cáo, khoảng cách giàu-nghèo tại hầu hết các nước thuộc nhóm 34 thành viên OECD đều gia tăng đáng kể trong thời gian dài và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Hiện ở các quốc gia này, thu nhập của 10% số người giàu nhất cao gấp 9,5 lần của nhóm 10% những người nghèo nhất. Tỷ lệ này là 7 lần trong những năm 80 của thế kỷ 20 và liên tục tăng từ đó cho tới nay.

Trong vài thập kỷ trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thu nhập bình quân của các hộ gia đình thuộc các quốc gia thành viên OECD đều tăng 1,6%. Tuy nhiên, ở 3/4 các quốc gia này, thu nhập của các hộ gia đình thuộc nhóm 10% giàu nhất tăng nhanh hơn thu nhập của các hộ gia đình thuộc nhóm 10% nghèo nhất, dẫn tới tình trạng mất cân bằng thu nhập trong xã hội.

Báo cáo cũng chỉ ra khoảng cách giàu - nghèo ở các quốc gia là khác nhau. Trong khi khoảng cách này ở một số nước châu Âu và các quốc gia Bắc Âu tương đối nhỏ, thì ở các quốc gia khác, chênh lệch tỷ lệ thu nhập trung bình giữa nhóm 10% giàu nhất và 10% nghèo nhất tăng vọt.

Điển hình như Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và Anh, tỷ lệ này là 10:1, trong khi ở Hy Lạp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể ở mức 13:1 đến 16:1, thậm chí còn lên tới 27:1 đến 30:1 như ở Mexico và Chile.

Tình trạng này đang tác động xấu lên nền kinh tế của các nước. OECD ước tính chỉ số phát triển của Mexico và New Zealand giảm 10% vì tình trạng này, trong khi ở một số các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy, chỉ số phát triển có thể sẽ cao hơn 1/5 nếu chênh lệch thu nhập không gia tăng.

Từ đó, OECD kêu gọi thiết lập chương trình chống nghèo đói đi đôi với nâng cao cơ hội tiếp cận với đào tạo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục