OECD: Kinh tế Eurozone đình trệ, đe dọa tăng trưởng toàn cầu

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo nền kinh tế yếu kém của Eurozone tạo ra đe dọa lớn với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
OECD: Kinh tế Eurozone đình trệ, đe dọa tăng trưởng toàn cầu ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo rằng nền kinh tế yếu kém của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang tạo ra một mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Điều này đòi hỏi các quy định về tài chính của EU phải linh hoạt hơn nữa đối với các nước thành viên đang gặp khó khăn, như Pháp và Italy.

Theo OECD, việc thúc ép Pháp và Italy đưa thâm hụt ngân sách về mức quy định của EU, có thể khiến tình hình tại hai nền kinh tế chủ chốt của châu Âu trở nên xấu hơn, thậm chí có nguy cơ đẩy liên minh tiền tệ này vào một cuộc suy thoái mới.

OECD nhấn mạnh việc Pháp và Italy quyết định làm chậm lại nhịp độ điều chỉnh cấu trúc tài chính trong dự thảo ngân sách năm 2015 dường như khá hợp lý.

Nhận định này được đưa ra giữa bối cảnh nguồn tin từ EU cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ gia hạn cho hai nước này tới mùa Xuân năm sau để triển khai các kế hoạch cải cách khắc nghiệt, đồng thời trì hoãn việc đưa ra phán quyết cuối về tình trạng "chi tiêu quá tay" của Pháp và Italy.

Pháp dự kiến thâm hụt ngân sách ở mức 4,3% GDP năm 2015, cao hơn mức trần 3% do EU đề ra, trong khi Italy quyết định làm chậm lại tiến trình cải cách cơ cấu để giảm nợ công - vốn đang ở mức 133,4% GDP, cao hơn gấp hai lần so với mức trần của EU.

Bên cạnh đó, OECD cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế tại Eurozone, nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực và đẩy lùi những nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới.

OECD quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,3% năm 2014 và 3,7% năm 2015, trong khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm 2014 và 2015 lần lượt là 0,8% và 1,1%.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có xu hướng chậm lại ở Trung Quốc; duy trì ở mức thấp tại Nga và Brazil; và phục hồi tại Ấn độ, Indonesia và Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục