Ông Lê Trường Lưu được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bầu ông Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Lê Trường Lưu được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế ảnh 1Ông Lê Trường Lưu. (Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Ngày 24/10, tại Kỳ họp bất thường, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế (khóa VI) đã bầu ông Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2011-2016; ông Đinh Khắc Đính, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Dân vận Trung ương làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế còn thảo luận và thông qua các Nghị quyết về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2020; và điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đối với phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế có các mức thu đồng nhất cho cả khách trong nước và nước ngoài khi tham quan Hoàng cung Huế (Đại Nội-Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) tối đa là 210.000 đồng/người lớn; trẻ em là 60.000 đồng/người; các khu di tích lăng Minh Mạng; lăng Tự Đức; lăng Khải Định tương ứng là 150.000 đồng và 40.000 đồng; các khu di tích lăng Gia Long; lăng Thiệu Trị; lăng Đồng Khánh; điện Hòn Chén, cung An Định; đàn Nam Giao; Kỳ đài Huế là 70.000 đồng và 20.000 đồng.

Nghị quyết cũng quy định mức giảm 50% phí tham quan đối với các trường hợp như người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ; người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ; người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên); các đối tượng là thân nhân liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người tàn tật trong trường hợp tổ chức tham quan tập thể; sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế do nhà trường tổ chức tham quan ngoại khóa hàng năm có đăng ký với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; các trường hợp giảm phí khác theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng tối đa không quá 50% mức phí quy định.

Về điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết nêu rõ giai đoạn đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, thực phẩm và đồ uống; công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may; công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (nguồn nguyên liệu tại chỗ; phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường); tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và tiêu dùng.

Giai đoạn năm 2021-2030, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường: công nghiệp tin học, phần mềm, điện-điện tử; công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế; công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng; công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Dự ước tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2014-2020 là 27.996 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 560 tỷ (chiếm 2%) chủ yếu đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; vốn doanh nghiệp và vốn vay tín dụng 6.439 tỷ đồng (chiếm 23%); còn lại là vốn liên doanh, liên kết và vốn đầu tư nước ngoài 20.997 tỷ đồng (chiếm 75%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục