Ông Trump có quan điểm "diều hâu" hơn ông Obama về Biển Đông

Bài viết trên trang mạng của tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ nhận định ông Trump có quan điểm "diều hâu" hơn ông Obama về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông,
Ông Trump có quan điểm "diều hâu" hơn ông Obama về Biển Đông ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Hershey, bang Pennsylvania ngày 15/12. (Nguồn: AP/TTXVN)

Trang mạng của tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ mới đăng bài viết cho rằng những hành động và bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kể từ sau chiến thắng bầu cử đã cung cấp một cách nhìn thấu đáo mới về loại hình chính sách đối với châu Á mà chính quyền mới của ông Trump có thể theo đuổi sau khi chính thức nắm quyền vào ngày 20/1 tới.

Một mặt, ông Trump đe dọa phá vỡ những cam kết lâu đời của Mỹ đối với các đồng minh, đe dọa phá vỡ tự do thương mại và quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Điều này gây ra sự bất ổn chiến lược ở khu vực châu Á vốn lâu nay bị giằng co bởi sự đối đầu của các cường quốc và tình trạng bất ổn ở các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

Mặc khác, một số chính sách mà ông Trump đề xuất có thể đẩy ông xích lại gần với các cường quốc châu Á vốn có quan điểm chủ nghĩa dân tộc hơn về việc sử dụng sức mạnh quân sự và năng lực kinh tế.

Có lẽ, sự thay đổi đáng kể và tiềm năng nhất là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Ông Trump có quan điểm "diều hâu" hơn ông Obama về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, việc tăng cường tiềm lực quân sự của Bắc Kinh cũng như những thực tiễn thương mại không công bằng.

Về liên minh Washington-Tokyo, sự đánh giá của ông Trump về giá trị của liên minh Mỹ-Nhật cũng đã gia tăng kể từ khi ông đề nghị Tokyo nên trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ. Đây là một tín hiệu tích cực cho nền tảng liên minh 2 nước này.

Tuy nhiên, quan ngại lớn hơn là việc ông Trump sớm khước từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được xem là “hòn đá tảng” của sự lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở trung tâm đang nổi trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, chủ nghĩa dân tộc của ông Trump mang giọng điệu trùng với bằng chứng lộ rõ về chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Philippines. Điều này có thể dẫn đến sự hợp tác lớn hơn, khi mà các nhà lãnh đạo của các nước trên muốn có các thỏa thuận song phương trực tiếp với nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục