Ông Trump gây kinh ngạc khi liên tiếp nhân nhượng về ngoại giao

Tờ Le Monde vừa đăng bài “Ông Trump liên tiếp nhân nhượng về ngoại giao" chỉ ra những hành xử được coi là trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố trước khi nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump gây kinh ngạc khi liên tiếp nhân nhượng về ngoại giao ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: THX/TTXVN)

​Những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ về chính sách đối ngoại như “ủng hộ 100%” Nhật Bản, tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc,” không xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay phê phán chính sách lấn đất của Israel… đều được báo chí Pháp theo dõi sát sao.

Bài “Ông Trump liên tiếp nhân nhượng về ngoại giao” của Le Monde xuất bản ngày 14/2/2017 đã chỉ ra những hành xử trong tuần lễ cầm quyền thứ ba của Donald Trump, được coi là trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố trước khi nhậm chức.

Theo Le Monde, sau những ngày cầm quyền đầu tiên ồn ã bị rất nhiều chỉ trích (đặc biệt với sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi giáo), "tân Tổng thống Mỹ dường như từng bước một trở lại với một số nền tảng của chính sách đối ngoại của Mỹ, mà trong suốt quá trình tranh cử thường bị chính ứng cử viên Donald Trump phê phán.”

Ngày 11/2, bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Florida, ông Donald Trump đã có một phản ứng “hoàn toàn thể theo quy ước” sau khi biết tin Triều Tiên bắn thử tên lửa.

Tuyên bố 100% đứng sau Nhật Bản của tân Tổng thống Mỹ cho phép “tái khẳng định liên minh song phương,” khác hẳn với những lời lẽ lên án dữ dội của ông Trump nhắm vào Tokyo, bị tố là gây thiệt hại nặng cho Mỹ về thương mại, cũng như dựa dẫm về quân sự.

Đối với Trung Quốc, ngay trước chuyến công du của Thủ tướng Nhật, Tổng thống Mỹ một lần nữa gây ngạc nhiên khi tuyên bố nối lại với chính sách “một Trung Quốc” của Washington từ thập niên 1970, mà gần hai tháng trước đó, ông từng tuyên bố có thể sẽ xem xét lại.

Theo Le Monde, vào thời điểm đó, khi chấp nhận cú điện thoại chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, ông Trump có ý sử dụng Đài Loan như một “lá bài” trong cuộc mặc cả chung với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, do “tính chất vô cùng nhạy cảm của vấn đề Đài Loan với Trung Quốc,” rốt cục ông Trump đã phải chấp nhận thoái lui.

Tương tự, với việc Iran thử tên lửa, mặc dù Nhà Trắng có phản ứng mạnh với những loạt trừng phạt mới, nhưng “các cố vấn của Tổng thống cũng đồng thời nhấn mạnh là thỏa thuận hạt nhân với Teheran, thành quả ngoại giao thời Obama, sẽ không bị xem xét lại."

Về phía Israel, trong một phỏng vấn dành cho nhật báo Israel Hayom, ngày 10/02, ông Trump cũng buộc phải tỏ rõ thái độ, khi khẳng định việc người Do Thái lấy thêm đất của Palestine không phải là “điều tốt cho hòa bình.”

Le Monde cũng lưu ý có hai chuyện mà ông Trump chưa hề tỏ ra có một nhân nhượng nào. Đó là bức tường biên giới với Mexico và các bất đồng với Canada, hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ.

Riêng với Canada, báo kinh tế Les Echos có bài “Trump và Trudeau giữ bất đồng trong im lặng.”

Trong cuộc hội kiến đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã “tỏ ra nồng ấm” trong tiếp xúc cho dù đó là hai con người hoàn toàn trái ngược nhau về quan điểm, đặc biệt về vấn đề môi trường, bình đẳng giới hay người tị nạn…

Một hội nghị bàn tròn về vấn đề phụ nữ thậm chí được tổ chức ngày 13/2, với sự hiện diện của hai nguyên thủ. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Canada hứa hẹn sẽ rất căng thẳng, đặc biệt với Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông Trump muốn xét lại, Canada lo ngại hàng triệu việc làm bị ảnh hưởng.

Theo Les Echos, nền kinh tế Canada “phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ,” với khoảng ba phần tư hàng xuất khẩu của nước này là sang Mỹ và ngược lại Canada thu hút đến 20% hàng xuất khẩu Mỹ. Nếu hiệp định NAFTA bị xét lại, nạn nhân đầu tiên sẽ là ngành sản xuất xe hơi của Canada với khoảng 100.000 lao động.

Vào thời điểm này có lẽ còn sớm để có câu trả lời dứt khoát về việc những nhân nhượng về ngoại giao có ý nghĩa thế nào trong chiến lược quốc tế nói chung của chính quyền Trump.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, nhiều chuyên gia chia sẻ một nỗi lo chung, đó là chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump đe dọa toàn bộ trật tự quốc tế, được xây dựng từ sau Thế chiến 2.

Đây là quan điểm của ông Charles Philippe David, chuyên gia về chính trị Mỹ, đại học Quebec, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Monde./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục