Pakistan bầu cử địa phương lần đầu tiên trong 10 năm

Pakistan tiến hành bầu cử địa phương lần đầu tiên trong 10 năm

Ngày 31/10, hàng chục triệu người dân Pakistan đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương lần đầu tiên trong một thập kỷ qua.
Pakistan tiến hành bầu cử địa phương lần đầu tiên trong 10 năm ảnh 1Thủ tướng Nawaz Sharif. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 31/10, hàng chục triệu người dân Pakistan đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương đầu tiên trong mười năm qua.

Đây được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PMLN) cầm quyền của Thủ tướng Nawaz Sharif vào giữa nhiệm kỳ.

Các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại 2 trong 4 tỉnh của Pakistan là tỉnh miền Trung Punjab và tỉnh miền Nam Sindh. Số cử tri tại hai tỉnh này lần lượt là 20 triệu và 4,6 triệu người. Hai tỉnh còn lại đã tổ chức bầu cử cách đây vài tháng.

Thủ lĩnh đối lập Imran Khan đã giành thắng lợi tại tỉnh Tây Bắc Khyber Pakhtunkhwa trong khi đảng cầm quyền và liên minh giành chiến thắng tại tỉnh miền Tây Baluchistan.

Phe đối lập hy vọng sẽ xây dựng một liên minh rộng lớn có thể thách thức đảng PMLN trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Giới quan sát đang theo dõi sát sao cuộc bỏ phiếu tại Punjab, tỉnh đông dân và giàu có nhất Pakistan, nơi ông Sharif giành được đa số sự ủng hộ.

An ninh và kinh tế Pakistan đã được cải thiện dưới thời Thủ tướng Sharif, song chính phủ đã thất bại trong việc giải quyết nạn tham nhũng và giới nhà giàu trốn thuế, hai vấn đề làm ảnh hưởng đến quỹ dành cho các dịch vụ phúc lợi như trường học và bệnh viện.

Cùng ngày, quân đội Pakistan đã được triển khai tại quận Khairpur, tỉnh Sindh sau khi xung đột giữa những người ủng hộ đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đối lập và đảng PMLN cầm quyền tại đây khiến 11 người thiệt mạng.

Vụ việc xảy ra chỉ một giờ trước khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Khairpur là khu vực thường xuyên xảy ra căng thẳng chính trị và xung đột vũ trang giữa hai đảng trên trong các cuộc bầu cử.

Lần gần đây nhất cuộc bầu cử chính quyền địa phương của Pakistan được tổ chức là vào năm 2005, dưới thời Tổng thống Pervez Musharraf, người đã lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.

Tháng 3 vừa qua, Toà án Tối cao đã coi việc thiếu hệ thống chính quyền địa phương trong hơn 1 thập kỷ là vi hiến và yêu cầu uỷ ban bầu cử tiến hành công tác bỏ phiếu sớm nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục