"Phải bồi thường cho nạn nhân dioxin Việt Nam"

Gần một tháng sau khi Tòa án Lương tâm của Nhân dân Quốc tế diễn ra tại Paris hôm 15-16/5, Hội nghị Quốc tế lần thứ 17 của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6-17/6 với nhiều chủ đề, trong đó vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam lại thu hút sự chú ý lớn của các luật sư.

Gần một tháng sau khi Tòa án Lương tâm của Nhân dân Quốc tế diễn ra tại Paris hôm 15-16/5, Hội nghị Quốc tế lần thứ 17 của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6-17/6 với nhiều chủ đề, trong đó vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam lại thu hút sự chú ý lớn của các luật sư.
 
Trả lời phỏng vấn của Vietnam+ bên lề lễ khai mạc sáng 6/6, Chủ tịch IADL Jitendra Sharma khẳng định “Chính phủ Mỹ cũng như các công ty hóa chất Mỹ đều phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam, không phải chỉ bồi thường về thiệt hại thể chất mà còn bồi thường cho những tác hại về môi trường.”
 
Ông đánh giá như thế nào việc tổ chức tòa án lương tâm tại Paris vừa qua? Phiên tòa này gây ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của chính phủ Mỹ đối với việc hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?
 
Chúng tôi đã có phiên tòa thành công ở Paris. Có rất nhiều nhân chứng cũng là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin đến tham dự phiên tòa này, trong đó có những người là chuyên gia, tham dự phiên tòa để đưa ra ý kiến của họ. Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng, những công ty hóa chất của Mỹ vốn cung cấp hóa chất cho chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ rải chất độc xuống Việt Nam, khi họ tiến hành như thế thì bản thân họ đã biết sẽ gây ra hậu quả cho nhân dân Việt Nam như thế nào rồi.
 
Chính vì vậy, kể cả Chính phủ Mỹ cũng như các công ty hóa chất Mỹ đều phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam, không phải chỉ bồi thường thiệt hại thể chất mà còn bồi thường cho những tác hại môi trường tại Việt Nam.
 
Ngoài nguyên tắc về mặt đạo lý, nghĩa là khi họ gây ra thiệt hại cho người dân Việt Nam thì họ phải bồi thường, ta còn xét đến mặt pháp lý, thì bồi thường là điều đương nhiên.
 
Tại sao IADL lại giúp Việt Nam tổ chức một phiên tòa như thế?
 
Bởi vì chúng tôi một phần là luật sư, đồng thời chúng tôi là người bạn thân thiết của Việt Nam. Khi chúng tôi thấy đó là hậu quả mà Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, thì đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi phải lên tiếng để yêu cầu bồi thường cho Việt Nam.
 
Tuy nhiên, Tòa án lương tâm chỉ mang tính lương tâm...
 
Đúng, đó là phán quyết về mặt lương tâm của nhân dân thế giới. Đương nhiên nó không phải là phán quyết của một tòa án được xác lập theo luật. Chính vì thế nó không có tính bắt buộc. Nhưng đó là lương tâm của chúng ta và nó cho thấy đó là nỗ lực trong chiến dịch vận động chính phủ Mỹ phải bồi thường cho người dân Việt Nam.
 
Mới đây Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã có buổi điều trần về chất độc da cam/dioxin của Việt Nam. Theo ông, đó có phải là động thái tích cực của chính phủ Mỹ về vấn đề này?
 

Chắc chắn đó là bước tiến tích cực vì theo tôi được biết, trong phiên điều trần đó có nhiều đại biểu trong Ủy ban nói rằng cần phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để Hạ viện Mỹ thông qua một đạo luật về việc bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
 
Nếu Mỹ đồng ý bồi thường cho Việt Nam thì ý nghĩa của nó là gì?
 
Trước tiên đó là bước tiến tích cực. Tích cực hơn nữa là nó chứng minh rằng khi một ai đó gây ra thiệt hại thì họ phải bồi thường. Đó là một trong những nguyên tắc của pháp quyền. Một trong những nguyên tắc của pháp quyền là khi đã gây thiệt hại cho người khác thì không thể không bồi thường.
 
Ông đánh giá như thế nào khâu tổ chức Đại hội hôm nay của Việt Nam?
 
Công tác tổ chức rất tốt. Lễ khai mạc cũng thật tuyệt vời với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bài phát biểu của Chủ tịch nước đã vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp cho các luật sư và chúng ta sẽ phải thảo luận và hướng tới trong tương lai./.
 
Việt Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục