Phải có trách nhiệm trước cử tri khi bấm nút thông qua luật

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng bản thân mỗi đại biểu Quốc hội là người cuối cùng bấm nút thông qua luật và phải có trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trước khi bấm nút.
Phải có trách nhiệm trước cử tri khi bấm nút thông qua luật ảnh 1Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí chiều 29/7. (Ảnh: T.Hiền/Vietnam+)

Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc vào chiều 29/7. Đây là kỳ họp quan trọng, không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của Quốc hội nhiệm kỳ mới, mà còn quyết định nhiều việc quan trọng, đặc biệt là phê chuẩn nhân sự cấp cao; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…

Bên hành lang kỳ họp, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Thưa đại biểu, Kỳ họp thứ 1 của Quốc hội khóa XIV đã kết thúc và giải quyết số lượng công việc lớn. Là một đại biểu Quốc hội, cảm nhận của ông về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Cảm nhận chung là công tác chuẩn bị khá tốt. Các Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ công tác đại biểu cho đến các vấn đề hỗ trợ cho hoạt động của kỳ họp.

Tôi cũng cơ bản tán thành với chương trình làm việc, tập trung chủ yếu vào công tác nhân sự cao cấp. Công tác này cũng được chuẩn bị rất tốt nên tiến hành tại Quốc hội là tương đối nhanh chóng, tạo sự đồng thuận lớn.

Bên cạnh đó, các chương trình xây dựng luật, giám sát đã được Quốc hội nhất trí cao, đặc biệt với những vấn đề bức xúc nhất mà cử tri quan tâm như an toàn thực phẩm, cải cách bộ máy hành chính, chống tham nhũng…

Ở một khía cạnh khác, tôi cho rằng trong nội dung kỳ họp lần này nếu đưa được vấn đề tư pháp thì sẽ toàn diện hơn. Tại kỳ họp, về cơ bản chúng ta đề cập đến vấn đề lập pháp, hành pháp và tập trung vào phát triển kinh tế xã hội chứ chưa sự quan tâm thích đáng đến công tác tư pháp, cải cách tư pháp trong khi chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân; xây dựng một nền tư pháp công bằng, trong sạch, vững mạnh.

- Quốc hội là cơ quan lập pháp, các đại biểu cũng rất trú trọng vấn đề này nhưng thực tế thì trong thời gian qua vẫn có những đạo luật để lại những “hạt sạn.” Theo ông, cần phải làm gì để Quốc hội khóa XIV tránh những trường hợp trên khi soạn thảo, ban hành luật?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Lập pháp là công tác quan trọng nhất của Quốc hội.

Muốn để cho các luật, pháp lệnh, nghị quyết có chất lượng thì trước hết cần phải đề cao công tác chuẩn bị ngay từ ban đầu, đảm bảo xác định rõ tính chất, mức độ quan để có sự chuẩn bị cần thiết về mặt thời gian, tiến độ. Chúng ta không nên ép thời gian, tiến độ với một đạo luật đặc biệt là các đạo luật đồ sộ và quan trọng.

Thứ hai, chúng ta cần nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ trực tiếp soạn thảo xây dựng pháp luật, đặc biệt là thành viên của tổ biên tập, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đội ngũ này cần phải thực sự chuyên nghiệp.

Thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội. Bản thân mỗi đại biểu Quốc hội là người cuối cùng bấm nút thông qua luật thì cần phải hiểu một cách thấu đáo và phải có trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trước khi bấm nút. Chúng ta phải tránh trường hợp bấm nút thông qua một cách hình thức, theo trào lưu.

Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu khác cần tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; các cơ quan tham mưu Chính phủ cũng phải chuẩn bị kỹ trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội…

- Thưa đại biểu, trước bối cảnh khó khăn của tình hình kinh tế, theo ông Chính phủ sẽ làm thế nào để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết, Quốc hội tán thành rất nhiều vấn đề mà Chính phủ đặt ra. Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội, cử tri đã ghi nhận quyết tâm của Chính phủ và những nội dung mà Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 1.

Các đại biểu cũng rất quan tâm tới việc Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện thành công những nội dung, vấn đề đã được đặt ra trong các báo cáo mà đặc biệt là các vấn đề cử tri gửi gắm thông qua các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Trong đó, vấn đề bức xúc nhất là xử lý vi phạm của Formosa, hạn mặn ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Một nơi mà khó khăn nhất của đất nước và một nơi là vựa lúa, cây ăn trái, thủy hải sản của Việt Nam. Hai vùng quan trọng này một mạnh, một yếu và khi bị tổn thương đã ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế cũng như trực tiếp tới hàng chục triệu dân.

Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp căn cơ để phát triển cả về công, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch và các vấn đề khác đảm bảo cho đạt được các mục tiêu kinh tế đề ra, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao an sinh xã hội.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục