Phải ủng hộ các "đại gia" đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, không phải người nông dân nào cũng làm được trang trại, hoặc mô hình như Hoàng Anh Gia Lai cho nên cần khuyến khích những "đại gia" đầu tư vào nông nghiệp.
Phải ủng hộ các "đại gia" đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đang trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình nên rất khó khăn khi cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Bên lề kỳ họp quốc hội diễn ra sáng nay (18/11), đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã có trao đổi với phóng viên về những tác động của nền nông nghiệp cũng như những hướng đi mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực mũi nhọn này.


- Thưa ông, những khó khăn của nền nông nghiệp đã được mổ xẻ nhiều, theo ông đâu là vấn đề cốt lõi cần tập trung tháo gỡ?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Theo tôi, ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn chủ yếu dựa trên nền sản xuất qui mô nhỏ, phân tán, manh mún do đó không thể có năng suất và chất lượng. Cũng chính việc phân tán nên rất khó kiểm soát được chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, việc cạnh tranh trong điều kiện Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là rất khó khăn, bởi lẻ ở những thị trường đó, ngành nông nghiệp và ngành chăn nuôi đều được xây dựng và phát triển trên nền sản xuất hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao.

Do vậy, dứt khoát phải công nghiệp hóa nền nông nghiệp và phải thay đổi phương thức sản xuất hiện nay bằng cách đưa khoa học và công nghệ vào thì mới có khả năng cạnh tranh và sản phẩm của chúng ta mới đảm bảo kiểm soát toàn bộ qui trình về chất lượng được.

Phải ủng hộ các "đại gia" đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp ảnh 2Hệ thống tưới nước trong một khu nhà kính hiện đại. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

- Trong bối cảnh hiện nay, đã có một số doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai và TH True Milk... đã tiên phong đầu tư vào nông nghiệp, theo ông việc này sẽ có tác dụng như thế nào đối với ngành nông nghiệp trong nước?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Tôi cho rằng để phát triển nền nông nghiệp của Việt Nam, về vĩ mô nhà nước phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư tập trung và đưa khoa học công nghệ vào.

Việc một doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai và một số doanh nghiệp khác đã đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp, theo tôi nhà nước phải có chính sách ủng hộ mô hình này.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ có một vài nhân tố là doanh nghiệp, nhưng còn dư địa rất lớn đó là việc khuyến khích các Hợp tác xã làm cho những người nông dân tập hợp lại vì không phải người nông dân nào cũng có khả năng làm trang trại và có diện tích lên tới vài trăm hecta để có thể đầu tư qui mô như các doanh nghiệp lớn, do vậy cần khuyến khích mô hình đó và nên quan tâm thêm mô hình Hợp tác xã để tập hợp những nông dân làm nhỏ lẻ, ít có điều kiện về đất đai để giúp họ có cách làm lớn.

Phải ủng hộ các "đại gia" đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp ảnh 3Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa nhận, Việt Nam có nhiều lợi thế về nông nghiệp và chăn nuôi nhưng khi tham gia vào Hiệp định TPP sẽ dễ bị tổn thương, trong khi theo khẳng định của Bầu Đức, ngành chăn nuôi theo mô hình của ông ta sẽ miễn nhiễm với các cản trở và thách thức của TPP, liệu điều này có trái ngược không thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Thực ra hai quan điểm này hoàn toàn không trái ngược mà tiếp cận ở 2 giác độ khác nhau. Nếu trên góc độ tổng thể toàn bộ ngành chăn nuôi thì rõ ràng ngành chăn nuôi của chúng ta còn phân tán, chưa đưa được nhiều hàm lượng khoa học kỹ thuật vào và như vậy năng suất kém, chất lượng không cao và không kiểm soát được sản phẩm, do vậy chắc chắn chúng ta không cạnh tranh được, đây là thực trạng ​của toàn ngành chăn nuôi.

Còn đứng trên quan điểm của Hoàng Anh Gia Lai thì họ nói cụ thể đối với những sản phẩm của họ và sản phẩm này đã được đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ vào, đã có năng suất, đã có chất lượng thì về mặt nguyên tắc trên thị trường doanh nghiệp nào đưa khoa học kỹ thuật và chất xám vào nhiều thì sản phẩm của anh đó của năng lực cạnh tranh thì thành công.

Đó là năng lực cạnh tranh của một ngành và năng lực cạnh tranh cụ thể của một doanh nghiệp, trong một ngành cũng có doanh nghiệp tiên phong, đầu tư và để có năng lực cạnh tranh, đó không phải chuyện một sớm một chiều mà họ đã đầu tư nhiều năm và đây là ngày họ gặt hái thành quả.

- Như ông vừa nói, chúng ta cần nhân rộng mô hình của Hoàng Anh Gia Lai và một số doanh nghiệp khác trong đầu tư nông nghiệp, nhưng trong bối cảnh hiện nay có dễ dàng áp dụng cách làm của họ không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Như tôi đã nói thì không phải người nông dân nào cũng làm được trang trại, hoặc mô hình như Hoàng Anh Gia Lai cho nên chúng ta khuyến khích ​những "đại gia" đầu tư vào nông nghiệp ​để tạo ra những đột phá cho nông nghiệp.

Bên cạnh đó cũng cần hướng tới sự đầu tư của số đông trong đó là phải hướng về việc tổ chức các mô hình Hợp tác xã, mô hình tập hợp những người nông dân do những người nông dân tổ chức và làm.

Bởi nông dân hiện có hàng chục triệu người nhưng mô hình mà các đại gia làm nông nghiệp thỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho nên chúng ta sẽ vừa phát triển những mô hình nào phù hợp với số ít nhưng cũng quan tâm phát triển những mô hình phù hợp với số đông.

Mặc khác, chúng ta đã có cái nền rất tốt đó là có các Trung tâm khuyến nông và Chính phủ nên đầu tư cho những trung tâm này từ việc hướng dẫn họ tổ chức lại chuồng trại, rồi tổ chức lại những khu cung cấp con giống, giúp họ tổ chức lại phương thức chăm sóc... và nhà nước có chính sách cũng như có đội ngũ các nhà khoa học giấn thân vào nông nghiệp để giúp cho nông nghiệp, giúp cho nông dân.

- Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng có rất ít tiền để phát triển các mô hình mới, vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Nếu chúng ta vẫn cư tư duy theo chuyện nhà nước phải đầu tư cho nông nghiệp thì chỉ đúng một phần thôi và là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ, bởi lẽ nếu chúng ta cứ đi theo logic đó thì bản thân chúng ta đã vi phạm những cam kết khi hội nhập.

Cho nên vấn đề nhà nước phải tạo ra môi trường, tạo ra mô hình, tạo ra cơ chế để huy động sức dân, sức dân mới là quan trọng, nhà nước chỉ đóng vai trò bà đỡ.

Người nông dân bây giờ đang cần những kỹ sư nông nghiệp thì nhà nước có thể cung cấp nguồn nhân lực, chọn những sinh viên học chuyên ngành nông ngành biết cách tổ chức, tập hợp những người nông dân lại trong các Hợp tác xã và tạo ra cơ chế và chính sách, thì đó mới là những hỗ trợ không vi phạm những cam kết hội nhập.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục