Phấn đấu mỗi năm dạy nghề cho 300.000 lao động vùng ĐBSCL

Trong kế hoạch phát triển dạy nghề của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, phấn đấu mỗi năm sẽ dạy nghề cho khoảng 300.000 lao động trong vùng.
Phấn đấu mỗi năm dạy nghề cho 300.000 lao động vùng ĐBSCL ảnh 1(Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Trong kế hoạch phát triển dạy nghề của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, phấn đấu mỗi năm sẽ dạy nghề cho khoảng 300.000 lao động trong vùng.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 2 trường nghề đạt tiêu chí trường nghề chất lượng cao, 3 trường nghề nội trú đảm bảo chất lượng đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú, 100 lượt nghề trọng điểm ở các cấp độ đạt chuẩn tối thiểu.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và người dân lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của từng địa phương và cả vùng.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch và chương trình hành động về công tác đào tạo nghề, trong đó gắn đào tạo nghề với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với ngành giáo dục nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng và chủ động lựa chọn loại hình học nghề sau phổ thông phù hợp với thị trường.

Các cơ quan chức năng cũng sẽ rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương theo các tiêu chí kết quả tuyển sinh, hiệu quả đào tạo, hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị, thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề để có phương án sắp xếp các cơ sở dạy nghề.

Theo đó, các cơ sở công lập sẽ có phương án chuyển giao, sát nhập, giải thể nếu hoạt động không hiệu quả đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ sở hoạt động tốt, triển khai các giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ.

Bộ cũng sẽ có kế hoạch không thành lập thêm các cơ sở công lập mới mà chỉ xem xét, đề xuất thành lập mới hoặc nâng cấp từ trường trung cấp nghề lên cao đẳng nghề đối với các cơ sở cam kết tự chủ về chi thường xuyên. Đối với các cơ sở ngoài công lập thì có chính sách, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thành lập các cơ sở tư thục.

Đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong vùng để khai thác, sử dụng hiệu quả năng lực cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo như đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp của vùng, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện lao động và tập quán dân cư trong vùng...

Trong 5 năm qua (2011-2015), công tác dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, nhưng so với kế hoạch, nhu cầu lao động, so với bình quân chung của cả nước... thì nhiều chỉ tiêu dạy nghề trong vùng vẫn chưa đạt kế hoạch.

Toàn vùng đã có 176 cơ sở dạy nghề, trong đó cơ sở công lập chiếm 77,8%, ngoài công lập chiếm 22,16%, có 119/131 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn.

Toàn vùng cũng đã đào tạo cho trên 1,2 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng trong năm 2015 ước đạt 35,2%, tăng 11,7% so với năm 2010 nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước là 40,6%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn chênh lệch lớn giữa các tỉnh (như An Giang 26%, Bến Tre 21%, Bạc Liêu 26%, Long An 40%, Kiên Giang 42,93%, Cà Mau 47%), quy mô tuyển sinh dạy nghề bình quân hàng năm mới chỉ đạt 56%.

Cơ cấu tuyển sinh học nghề theo trình độ còn có sự chênh lệch lớn như đào tạo hệ cao đẳng nghề chỉ chiếm 2%, đào tạo trung cấp nghề chiếm 5% , đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 93%..../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục