Phần Lan xem xét sửa đổi luật chống khủng bố và tăng ngân sách

Giới chức Phần Lan cho biết nước này sẽ xem xét sửa đổi luật chống khủng bố và tăng ngân sách cho các lực lượng an ninh sau vụ tấn công khủng bố bằng dao tại Turku.
Phần Lan xem xét sửa đổi luật chống khủng bố và tăng ngân sách ảnh 1Cảnh sát Phần Lan điều tra tại hiện trường vụ tấn công bằng dao tại Turku. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Giới chức Phần Lan cho biết nước này sẽ xem xét sửa đổi luật chống khủng bố và quyết định tăng ngân sách cho các lực lượng an ninh sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố bằng dao tại thành phố Turku, miền Tây Nam nước này hôm 18/8 vừa qua.

Trong hai ngày thảo luận về ngân sách, chính phủ trung hữu cầm quyền ở Phần Lan đã nhất trí cấp thêm 12 triệu euro cho lực lượng cảnh sát và Cơ quan Tình báo An ninh.

Như vậy, cùng với khoản ngân sách trước đây, hai đơn vị an ninh này sẽ nhận được hơn 50 triệu euro.

Bên cạnh đó, Chính phủ Phần Lan cũng sẽ yêu cầu các nhân viên an ninh tiến hành đánh giá những nguy cơ đe dọa từ những người bị từ chối đơn xin tị nạn và có thể bắt giữ họ nếu thấy cần thiết.

[Xác định danh tính thật của hung thủ tấn công bằng dao ở Phần Lan]

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ đề nghị sửa đổi luật cho phép hủy bỏ quyền công dân Phần Lan đối với những người mang hai quốc tịch bị phát hiện tham gia vào các hoạt động khủng bố.

Các quyết định của Chính phủ Phần Lan được đưa ra trong bối cảnh ngày 18/8 trước đó, tại thành phố Turku, Tây Nam nước này đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao nghiêm trọng, làm 2 người chết và 8 người bị thương.

Cảnh sát cho biết nghi can thực hiện vụ tấn công trên là một đối tượng người Maroc đang xin tị nạn, có tên là Abderrahman Bouanane.

Khi bị bắt, tên này đã nhận tiến hành vụ tấn công song phủ nhận động cơ tấn công là nhằm mục đích khủng bố.

Abderrahman Bouanane đến Phần Lan vào năm 2016 và sống trong Pansio- trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Turku.

Trước khi thực hiện vụ tấn công trên, y đã bị nhà chức trách Phần Lan từ chối cấp quy chế tị nạn. Y bị phát hiện có quan điểm và hành vi cực đoan, như nghe các bài thuyết giáo cực đoan trên điện thoại.

Y cũng từng phạm tội giết người ở Maroc, dọa giết người khi bị làm phiền và Bouanane cũng tìm kiếm thông tin về cách gia nhập IS. Các hành động của y cũng từng nhiều lần bị trung tâm tiếp nhận người tị nạn Pansio cảnh cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục