Pháp cải cách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Pháp sẽ nâng mức trần nợ công lên 3,8% trong năm 2014, cao hơn mức dự đoán 3,6% trước đó và cam kết sẽ đạt mức giới hạn 3% mà EU đặt ra vào cuối năm 2015.
Pháp cải cách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 1Người dân Pháp biểu tình phản đối các chính sách cải cách kinh tế mới của chính phủ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 23/4, Chính phủ Pháp đã đề xuất lộ trình cải cách tài chính trong giai đoạn 2014 - 2017.
Theo đó, Pháp sẽ nâng mức trần nợ công lên 3,8% trong năm 2014, cao hơn mức dự đoán 3,6% trước đó và cam kết sẽ đạt mức giới hạn 3% mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra vào cuối năm 2015.
Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls cũng sẽ tiến hành cắt giảm chi tiêu công trị giá 50 tỷ euro (69 tỷ USD) để bù vào việc trả lương và giảm thuế thu nhập thông qua các biện pháp như ngừng chi trả một loạt các loại phúc lợi xã hội cho đến tháng 10/2015, giảm thuế tiền lương cho các công ty lớn.
Với kế hoạch trên, Chính phủ nước này hy vọng sẽ tạo thêm 200.000 việc làm mới vào năm 2017, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục hiện tại; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 1% trong năm nay, 1,7% trong năm 2015 và ít nhất 2,25% trong hai năm kế tiếp.
Kế hoạch cải cách của Chính phủ Pháp đang vấp phải những phản ứng trái chiều trong nước khi các nghị sỹ cánh tả yêu cầu Chính phủ giảm mức cắt giảm chi tiêu xuống còn 35 tỷ euro, bãi bỏ việc ngừng chi trả phúc lợi xã hội, tăng lương cho nhân viên công vụ và hoãn quy định giảm thuế tiền lương cho các công ty lớn đến năm 2016.
Các chuyên gia kinh tế thì tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch trên khi các số liệu thăm dò cho thấy kinh tế tư nhân của Pháp tăng trưởng chậm hơn dự đoán trong tháng Tư, tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Pháp có khả năng chỉ đạt mức 0,8% trong năm 2014 và 1,2% trong năm tới và Paris sẽ khó đảm bảo cam kết hạ trần nợ công xuống mức 3% trong năm 2015 sau khi đã xin gia hạn hai lần trước đó.
Trong khi đó, một bộ phận khác thì cho rằng Chính phủ Pháp khó có lựa chọn nào khác ngoài tiến hành cải cách tài chính một cách mạnh mẽ trong bối cảnh tỷ lệ nợ của nước này tăng mạnh từ 50% năm 2002 lên 93,5% GDP vào cuối năm ngoái.
Kế hoạch cải cách của Chính phủ Pháp sẽ được đệ trình lên Ủy ban châu Âu (EC) xem xét, phê chuẩn trong tháng Năm tới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục