Pháp đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi lần đầu tiên tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Mỹ.
Pháp đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: The New York Times)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi lần đầu tiên tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Mỹ, bắt đầu từ ngày 18/9 và kéo dài 3 ngày.

Trong một cuộc họp báo bên lề phiên họp của Đại hội đồng, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết đến thời điểm này, chưa có một hành động cụ thể nào từ phía Mỹ được đưa ra và Pháp bày tỏ hy vọng có thể thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi quan điểm về Hiệp định Paris.

Ngày 1/6 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố quyết định rút Mỹ - một trong những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất – ra khỏi Hiệp định Paris đã được ký tại COP21 vào tháng 12/2015 nhằm giữ sự nóng lên toàn cầu dưới ngưỡng 2°C.

Qua một thông báo gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ngày 4/8, Tổng thống Trump khẳng định ý định thực hiện "quyền rút khỏi Hiệp định Paris," nhưng để ngỏ khả năng "tái tham gia" của Mỹ trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, phái đoàn của Tổng thống Pháp, trong đó có Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot đã đến New York tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Nguồn tin từ điện Elysée cho biết Tổng thống Macron sẽ tận dụng cuộc gặp của ông với người đồng nhiệm Mỹ để thảo luận về vấn đề môi trường và nhắc lại cam kết của Pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

[Biến đổi khí hậu: Mỹ giữ nguyên lập trường về Hiệp định Paris]

Sáng 19/9, Tổng thống Pháp dự kiến gặp đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế làm việc trong lĩnh vực đoàn kết quốc tế, bảo vệ nhân quyền và chống biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng, ông sẽ nhắc lại khái niệm "tài sản chung" mà ông đã đề cập đến tại lễ khai mạc Tuần lễ các Đại sứ vào tháng 8 vừa qua tại Paris. Khi đó ông khẳng định: "Tài sản chung đầu tiên của chúng ta, đó là hành tinh của chúng ta."

Chiều cùng ngày, Tổng thống Macron cũng sẽ tham dự Hội nghị bàn về Hiệp ước môi trường toàn cầu. Dự thảo Hiệp ước đã được một hội đồng gồm 80 chuyên gia quốc tế soạn thảo, tập hợp và thống nhất lại các điều khoản luật pháp quốc tế về môi trường. Tuy nhiên đến nay, đó vẫn chỉ là một sự kiện của Pháp, thách thức hiện nay là biến dự thảo này thành một chủ đề đàm phán chính thức tại Liên hợp quốc.

Theo điện Elysée, các cuộc đàm phán có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí hàng năm. Tổng thống Macron sẽ gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào cuối ngày tại "Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo về khí hậu," với sự tham dự của khoảng 20 nguyên thủ quốc gia.

Nhân dịp này, Pháp sẽ khẳng định vai trò của mình trong việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về việc tài trợ và thực hiện Hiệp định Paris, như đã công bố trong cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tháng Bảy vừa qua tại Hamburg, Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục