Pháp giám sát chặt tàu Mistral bán cho Nga vì sợ bị đánh cắp

Pháp giám sát chặt tàu chiến Mistral bán cho Nga vì sợ bị đánh cắp

Cơ quan mật vụ Pháp đang bí mật theo dõi chặt chẽ tàu đổ bộ trực thăng Mistral bán cho Nga do lo ngại tàu chiến này sẽ bất ngờ bị mất cắp giống như sự việc đã xảy ra trong quá khứ.
Pháp giám sát chặt tàu chiến Mistral bán cho Nga vì sợ bị đánh cắp ảnh 1Tàu chiến Mistral gây nên cuộc tranh cãi giữa Pháp và Nga (Nguồn: AFP)

Tờ Le Figaro của Pháp trong một bài viết mới đây tiết lộ rằng các cơ quan mật vụ Pháp đang bí mật theo dõi chặt chẽ tàu đổ bộ trực thăng Mistral bán cho Nga do lo ngại tàu chiến này sẽ bất ngờ bị mất cắp giống như sự việc đã xảy ra trong quá khứ. 


Hiện Nga và Pháp vẫn bất đồng về thời điểm bàn giao tàu Mistral, sau khi Pháp trì hoãn kế hoạch này vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine

“Tôi lo sợ rằng, vào một buổi sáng chúng ta thức dậy và tàu chiến Vladivostok sẽ không còn ở đây nữa,” – Le Figaro dẫn lời một quan chức Pháp cho biết. 

Ông này nói thêm: “Từ lâu chúng tôi đã nghĩ tới việc này. Người Nga là đối tác của chúng ta, nhưng tốt hơn hết là phải sẵn sàng cho bất kỳ điều bất ngờ nào.”

Theo tờ Le Figaro, các lực lượng của Bộ Nội vụ Pháp gần đây đã tăng cường giám sát cảng Saint-Nazaire, nơi tàu chiến Mistral đóng cho Nga đang neo đậu chờ ngày bàn giao. Trước đó, các đặc vụ Pháp đã bí mật theo dõi hoạt động thử nghiệm tàu chiến này trên biển trong suốt thời gian qua.

Lý giải cho sự tăng cường lực lượng đặc vụ giám sát tàu chiến Mistral, Le Figaro cho rằng trong quá khứ, vào năm 1969, Tình báo Israel đã từng đánh cắp thành công 2 tàu chiến chiến của Pháp và Paris lo ngại lịch sử sẽ có thể lặp lại, khi “các thủy thủ Nga bất ngờ rời đi (cùng với tàu chiến) mà không nói lời từ biệt.”

Năm 1969, ngay trước ngày lễ Giáng sinh, một nhóm điệp viên của cơ quan tình báo Israel đã bất ngờ đánh cắp 2 trong số 12 tàu chiến Pháp đóng cho Israel theo hợp đồng đã ký kết từ năm 1965. 

Nhưng vì Cuộc chiến sáu ngày của Israel với các nước Arab (năm 1967), Tổng thống Charles de Gaulle đã ra lệnh cấm vận bán vũ khí tấn công cho Israel.    

Sau đó, Israel lại tiếp tục tấn công vào sân bay Beirut của Libanon vào tháng 12/1968, de Gaulle đã quyết định hủy hợp đồng cung cấp 12 tàu chiến cho Israel, mặc dù Pháp đã nhận một phần tiền thanh toán cho giao kèo này. 

Đêm 24/12/1969 một nhóm điệp viên Israel đã đánh cắp thành công hai chiếc tàu chiến và đưa về nước. 

Sau này, các nhà sử học đã làm sáng tỏ vụ việc và xác nhận chính phủ Pháp khi đó đã nắm được ý định của người Israel, nhưng cố tình làm ngơ cho họ thực hiện hành động./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục