Pháp thông qua đạo luật do thám công dân gây tranh cãi

Pháp đã thông qua một luật do thám mới gây tranh cãi, theo đó trao thẩm quyền sâu rộng cho các cơ quan chức năng để do thám công dân nước này.
Pháp thông qua đạo luật do thám công dân gây tranh cãi ảnh 1

Theo AFP, ngày 24/6, Pháp đã thông qua một luật do thám mới gây tranh cãi, theo đó trao thẩm quyền sâu rộng cho các cơ quan chức năng để do thám công dân nước này.

Động thái trên diễn ra cùng ngày với sự kiện mạng tin WikiLeaks công bố các tài liệu mới, trong đó tiết lộ việc Mỹ do thám 3 đời tổng thống Pháp khiến dư luận nước này phản ứng dữ dội.

Luật mới này sẽ cho phép nhà chức trách theo dõi các cuộc trao đổi qua điện thoại di động hoặc thiết bị kỹ thuật số của bất cứ ai liên quan đến một cuộc điều tra "khủng bố" mà không cần sự cho phép từ tòa án, đồng thời buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và công ty điện thoại phải cung cấp dữ liệu khi được yêu cầu.

Các cơ quan mật vụ sẽ có quyền đặt máy ghi hình và thiết bị thu âm tại nơi ở cá nhân và cài đặt thiết bị theo dõi bàn phím của một máy tính mục tiêu. Nhà chức trách có thể lưu giữ các bản ghi trong 1 tháng và siêu dữ liệu trong 5 năm.

Phản ứng trước động thái trên, các nhóm hoạt động nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã chỉ trích Pháp đang "tiến một bước gần hơn tới việc trở thành 1 nhà nước do thám."

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình Pháp TF1, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho rằng đã đến lúc các chính phủ châu Âu phải có hành động pháp lý đối với các hoạt động do thám của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục