Phật giáo trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc

Hòa thượng-tiến sỹ Thích Đức Nghiệp cho rằng ở Việt Nam, Phật giáo là bộ phận hữu cơ không thể tách rời của lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Ngày 8/11, Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc” đã khai mạc tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Hội thảo do Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

Hội thảo đã quy tụ gần 100 học giả chuyên nghiên cứu về Phật giáo trong nước và 15 học giả quốc tế đến từ 10 nước, vùng lãnh thổ có truyền thống Phật giáo lâu đời và đã có những bước chuyển hiện đại hóa Phật giáo thành công.

Hội thảo là diễn đàn để các học giả trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi các vấn đề lý luận và kinh nghiệm về vai trò của Phật giáo đối với việc phát huy văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Đó là "Những vấn đề lý luận chung về Phật giáo và vai trò của Phật giáo trong việc phát huy văn hóa dân tộc," "Những tư tưởng đặc sắc của Phật giáo châu Á và Việt Nam hiện đại," "Phật giáo châu Á và Việt Nam với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, với giáo dục, an sinh xã hội và xây dựng văn hóa cơ sở," "Sức sống Phật giáo châu Á và Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc..."

Qua hội thảo, Ban Tổ chức sẽ thu thập những ý kiến đóng góp có giá trị để bổ sung vào đề tài độc lập cấp Nhà nước "Phật giáo Việt Nam trong đời sống văn hóa và xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới" mà Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội thực hiện.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh Phật giáo vừa mang tính quốc tế, vừa mang tính dân tộc. Phật giáo làm phong phú thêm vốn văn hóa của các dân tộc, đồng thời sự hội tụ của văn hóa các dân tộc lại làm giàu thêm cho kho tàng đồ sộ của Phật giáo.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng hy vọng ngoài việc trao đổi những vấn đề lý luận chung về vai trò của Phật giáo; kinh nghiệm của các nước trong sử dụng vai trò của Phật giáo nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các học giả sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức, phương pháp nhằm mở rộng giao lưu học thuật, đề xuất các ý tưởng sáng tạo để đưa Phật giáo nhập thế đồng hành cùng thời đại, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển của mọi dân tộc trên thế giới.

Hòa thượng-tiến sỹ Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng ở Việt Nam, Phật giáo là bộ phận hữu cơ không thể tách rời của lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc. Những năm gần đây, nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình hiện đại hóa Phật giáo và Phật giáo đã có nhiều đóng góp cho xã hội tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

Hội thảo quốc tế "Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc" là chủ đề có giá trị và ý nghĩa quan trọng, đồng thời là một trong những mối quan tâm lớn không chỉ của các học giả Việt Nam mà của nhiều thế hệ học giả khác nhau trên thế giới.

Hội thảo đặc biệt có ý nghĩa khi được tổ chức tại vùng đất thiêng Yên Tử, vốn là một cái nôi của Phật giáo mang đặc sắc Việt Nam, nơi in đậm dấu tích của một nhân vật là kết tinh cho sự hòa quyện giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam, là một biểu trưng đặc sắc cho sự kết hợp hài hòa giữa Đời và Đạo, giữa Đạo và Đời, một vị quân vương gắn với vị pháp chủ, anh hùng dân tộc gắn với hành giả đắc đạo trong cùng một con người - Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 9/11./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục