Phát hiện hũ tiền cổ

Phát hiện hũ tiền cổ thời Bắc Tống tại Quảng Bình

Trong lúc tiến hành đào giếng tại một gia đình ở Quảng Trạch, lực lượng thi công phát hiện một chiếc hũ gốm chứa 10,5kg tiền đồng cổ.
Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, trong lúc tiến hành đào giếng ở độ sâu 1,2m, lực lượng thi công tại nhà ông Nguyễn Ái Khanh ở xóm Đình, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã phát hiện một chiếc hũ bằng gốm sành chứa đầy tiền đồng cổ.

Theo nhận định ban đầu, đây là những đồng tiền cổ thời Bắc Tống, có niên đại trong khoảng 943-1227 (thế kỷ X- XIII), được nhân dân Đại Việt sử dụng trong giao thương từ thế kỷ X-XI thời nhà Lý.

Chiếc hũ đựng tiền đồng được phát hiện cao khoảng 30cm, đường kính 15cm, chất liệu bằng gốm sành nung ở nhiệt độ cao, có màu nâu đen, bên trong chứa 10,5kg tiền đồng cổ. Do bị chôn lâu ngày dưới lòng đất nên tiền đồng bị kết dính, bị gỉ có màu xanh.

Tiền đồng có lỗ vuông, gờ to, vành gờ 3mm, chữ bên trên một mặt của tiền nổi rõ, đường kính 23cm, lỗ vuông 7x7mm..

Việc phát hiện những hũ tiền cổ thời Bắc Tống ở Quảng Thuận và nhiều nơi khác trước đó ở Quảng Trạch, Quảng Bình, đã đưa ra bằng chứng về sự giao thoa trong văn hóa, giao lưu trong thông thương buôn bán với nước ngoài (Trung Quốc).

Những đồng tiền có ý nghĩa và giá trị về mặt lịch sử này cũng chứng tỏ sự giao thoa, thông thương kinh tế giữa các triều đại phong kiến phương Bắc và triều đại phong kiến Việt Nam thế kỷ X- XII tại mảnh đất Quảng Thuận nói riêng và Quảng Bình nói chung.

Hiện tại, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã đưa hũ tiền đồng cổ vào kiểm kê, bảo quản và sẽ giới thiệu với công chúng trong thời gian tới./.

Nguyễn Đức Thọ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục