Phát hiện loại gen giúp đốt mỡ-chống béo phì trong khi ngủ

Các nhà khoa học Mỹ cho biết sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã khám phá được "điều bí ẩn" trong cơ chế gây béo phì của gen FTO đột biến.
Phát hiện loại gen giúp đốt mỡ-chống béo phì trong khi ngủ ảnh 1Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học mới đây đã xác định được cơ chế hoạt động của một loại gen được cho là thủ phạm chính gây ra bệnh béo phì. Đây được đánh giá là một phát hiện quan trọng, giúp mở ra hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh béo phì.

Trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England số ra ngày 19/8, các nhà khoa học đến từ Học viện công nghệ Massachusetts và Đại học Havard của Mỹ cho biết sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã khám phá được "điều bí ẩn" trong cơ chế gây béo phì của gen FTO đột biến.

Theo đó, gen FTO ảnh hưởng gián tiếp đến bệnh béo phì, tương tự như "một chiếc công tắc chủ", thông qua việc tác động đến hai loại gen IRX3 và IRX5 kiểm soát sự sinh nhiệt, hay còn gọi là quá trình tiêu hao năng lượng.

Từ lâu, trong cơ thể con người được biết đến có hai loại mỡ, trong đó mỡ trắng trữ năng lượng dưới dạng lipid và sản xuất các hormone trong khi mỡ nâu lại đốt cháy năng lượng từ mỡ trắng và tỏa nhiệt. Do đó, trên quan điểm giảm cân, mỡ nâu là "mỡ tốt" trong khi mỡ trắng là "mỡ xấu", và hai gen IRX3 và IRX5 có vai trò xác định sự phân loại hai loại mỡ trên.

Nghiên cứu cho thấy một gen FTO đột biến có thể tác động đến hai loại gen trên, khiến năng lượng từ thức ăn được dự trữ dưới dạng tế bào mỡ tích tụ trong cơ thể thay vì bị đốt cháy.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ DNA mới có tên CRISPR/Cas9 với hy vọng có thể vô hiệu hóa gen FTO đột biến. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã ngăn cản tác động của gen này lên các con chuột thí nghiệm và nhận thấy quá trình trao đổi chất của chúng tăng nhanh và cân nặng giảm mạnh.

Trọng lượng cơ thể của những con chuột này cũng giảm 50% so với những con khác và chúng không bị tăng cân dù tiêu thụ các thức ăn nhiều chất béo, thay vì đó năng lượng của chúng liên tục được đốt cháy thậm chí trong lúc ngủ. Kết quả trên cho thấy FTO đóng vai trò như một "công tắc chủ" kiểm soát giữa việc lưu trữ mỡ và sự đốt cháy năng lượng.

Phát hiện về mối quan hệ và cơ chế tác động của gen FTO với bệnh béo phì đã mang lại một quan điểm mới so với quan điểm truyền thống rằng bệnh béo phì là do con người ăn uống quá độ và lười tập thể dục. Giới chuyên gia nhận định nghiên cứu trên là một đóng góp to lớn trong nỗ lực tìm kiếm một phương pháp điều trị hiệu quả bệnh béo phì.

Theo thống kê, hiện có khoảng 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh béo phì. Những người béo phì "quá khổ" không những phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật cao hơn người bình thường mà còn thường mất tự tin trong giao tiếp. Bên cạnh đó, gánh nặng xã hội và chi phí điều trị cho bệnh nhân béo phì là rất lớn, bởi căn bệnh này thường kéo theo các bệnh lý nguy hiểm khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục