Phát hiện loài tê giác sắp tuyệt chủng sau 26 năm

Loài tê giác hiếm Sumatra từng được liệt vào động vật sắp tuyệt chủng cao, đã được phát hiện tại Indonesia, sau 26 năm vắng bóng.
Các nhà bảo tồn thiên nhiên Indonesia ngày 9/8 cho biết loài tê giác hiếm Sumatra từng được liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, đã được phát hiện tại khu vực bảo tồn rừng Leuser thuộc tỉnh Aceh nước này, sau 26 năm vắng bóng.

Qũy Quốc tế Leuser (LIF) cho biết trong một cuộc khảo sát, đội kiểm lâm của LIF đã phát hiện sự hiện diện của loài vật hai sừng này thông qua việc lắp đặt các camera bí mật tại nhiều nơi khác nhau của khu rừng.

Hơn 1.000 hình ảnh thu thập được cho thấy loài tê giác hiếm này đang sinh sống rất tốt tại khu rừng này và số lượng có thể là từ 7 đến 25 con.

Tuy nhiên, các nhà bảo tồn thiên nhiên cảnh báo sự sống của loài động vật quý hiếm này đang bị đe dọa nghiêm trọng do các hoạt động săn bắt trái phép đang ngày càng gia tăng tại khu vực này.

Tê giác Sumatra của Indonesia là loài nhỏ nhất và nguyên thủy nhất trong tất cả các loài tê giác trên thế giới.

Quỹ Tê giác Quốc tế (IRF) cho biết từ năm 1996, tê giác Sumatra được liệt vào danh sách một trong những loài vật có nguy cơ truyệt chủng cao nhất, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Số lượng của chúng trong môi trường hoang dã đã giảm tới 50% trong vòng 20 năm qua do nạn săn bắt và tình trạng thu hẹp môi trường sống.

Hiện, hệ sinh thái Leuser là "mái nhà chung" của khoảng 710 loài động vật khác nhau, trong đó có 180 loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới loài tê giác Sumatra, đười ươi Sumatra, hổ Sumatra, Sumatra voi và gấu Malayan CN...được sống cùng nhau trong môi trường tự nhiên./.

Thạch Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục