Phát hiện ra cách để "đo" được sự đau đớn

Sẽ không còn phải băn khoăn về việc người khác không cảm nhận được nỗi đau của bạn. Lần đầu tiên các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách "đo" sự đau đớn trong cơ thể người bệnh, hứa hẹn có thể ứng dụng trong một loạt lĩnh vực từ y tế tới pháp lý.

Sẽ không còn phải băn khoăn về việc người khác không cảm nhận được nỗi đau của bạn. Lần đầu tiên các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách "đo" sự đau đớn trong cơ thể người bệnh, hứa hẹn có thể ứng dụng trong một loạt lĩnh vực từ y tế tới pháp lý.

Cho đến nay, cách chủ yếu để biết một người bị đau nhiều hay ít là hỏi trực tiếp bệnh nhân, do giới khoa học vẫn chưa thể biết chính xác những dây thần kinh nào trong não bộ chịu trách nhiệm "phản ứng" trước sự đau đớn trong cơ thể.
 
Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu khoa học do trường Đại học Oxford thực hiện gần đây đã sử dụng nhiều phương pháp chiếu chụp hiện đại, trong đó có phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Kết quả là họ đã phát hiện được "những cung bậc đau đớn" trong não bộ của một người bệnh.
 
Irene Tracey, giáo sư bộ môn gây mê kiêm Giám đốc Trung tâm chẩn đoán fMRI của trường Oxford cho biết, lưu lượng máu dồn lên một số bộ phận của não sẽ tăng theo tỷ lệ với cơn đau mà nó cảm nhận được và những phản ứng này đã được chụp lại.

Tuy nhiên, một cơn đau sẽ tác động lên hơn một chục bộ phận trong não bộ, chứ không phải chỉ có một hoặc hai khu vực như mọi người vẫn nghĩ.
 
Kết quả nghiên cứu trên có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, tòa án có thể dựa trên "giấy chứng nhận đau đớn" từ người bị hại để quyết định mức bồi thường, hoặc các bác sĩ có thể dựa vào đó để kê toa thuốc chính xác cho bệnh nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục