Phát huy kinh nghiệm của chuyên gia đầu ngành trong khám bệnh từ xa

Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến TW; được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ở ngay cơ sở y tế tuyến dưới.
Việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 3 bệnh viện vệ tinh được thực hiện trực tuyến dưới sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 3 bệnh viện vệ tinh được thực hiện trực tuyến dưới sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý kế hoạch triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa.”

Trước đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/220 với mục tiêu: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết khám, chữa bệnh từ xa không phải là việc xa lạ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đặc biệt phải đẩy mạnh trong giai đoạn này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố.

“Bệnh nhân bình thường nếu bị cúm đã mệt, mắc bệnh COVID-19 còn mệt hơn rất nhiều, đặc biệt là rất khó khăn đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh lý nặng đi kèm.”

Đặc biệt, Việt Nam có gần 100 triệu dân, trong đó khoảng 10 triệu người là người cao tuổi. Trong giai đoạn này, phải tăng cường tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài… để hạn chế người dân đến các bệnh viện, tránh các nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

[Khám bệnh từ xa - giải pháp hữu hiệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng]

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê lưu ý các bệnh viện tuyến Trung ương có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Những kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng. Các bệnh viện phải quyết tâm thực hiện để phòng ngừa cho bệnh viện mình, không để tình trạng "chưa đánh đã vỡ trận.”

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê chia sẻ thời gian qua, Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị COVID-19 đã huy động đội ngũ giáo sư giỏi hỗ trợ các bệnh viện điều trị COVID-19.

Những kiến thức và kinh nghiệm của các giáo sư đều được sự đồng thuận của các bệnh viện. Việc hội chẩn trực tuyến đã đóng góp quan trọng vào kết quả điều trị người bệnh COVID-19. Nhiều ca bệnh nặng, được sự hội chẩn tích cực, đầy trách nhiệm của các chuyên gia đầu ngành đã có những hồi phục kỳ diệu.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng các quy định về chi trả bảo hiểm đối với các dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa tại các bệnh viện tuyến dưới, tuyến trên.

Theo đó xác định khám chữa bệnh, tư vấn khám chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả (tương tự như hội chẩn trực tiếp đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể). Trong đó, mức hưởng bảo hiểm y tế là 100- 95-80% chi phí một lần tư vấn theo giá đã xác định.

Các dịch vụ phát sinh trong quá trình tư vấn, hội chẩn (như điện tim, siêu âm, X quang… được thực hiện trong quá trình tư vấn, hội chẩn - dữ liệu theo thời gian thực) được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

Cả nước hiện có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục