Phát huy vai trò nông dân trong xây nông thôn mới

Các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ  XI cho rằng cần phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đầu tư cho lĩnh vực “tam nông”: nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng mô hình nông thôn mới là một trong những vấn đề quan tâm của đại biểu dự Đại hội XI của Đảng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng nếu không chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nông dân thì nông dân không thể phát huy được vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

“Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Kết luận số 61 – KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020,” Hội Nông dân Việt Nam mong muốn Chính phủ sớm có cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để Hội trực tiếp tham gia thực hiện một số chương trình, đề án phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp” - đại biểu cho biết.

Đề xuất các nội dung cần thiết để giúp giai cấp nông dân Việt Nam vững bước tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đại biểu Nguyễn Quốc Cường kiến nghị Đảng, Nhà nước bổ sung và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, nâng cao mức sống nông dân, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân đồng thời, bảo đảm được mức và cơ cấu đầu tư để xây dựng hạ tầng nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã chỉ ra; chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật và xúc tiến thị trường hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Đặc biệt quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh đây là chương trình rất thuận lòng dân, nhân dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, để tăng cường quyền làm chủ và quyền thụ hưởng, tăng cường quyền giám sát của nhân dân ở địa phương, đại biểu đề nghị ngoài sự nỗ lực của nhân dân, của địa phương, Trung ương cần đặc biệt ưu tiên đầu tư nhất là cơ sở vật chất để thực hiện cho được 19 tiêu chí mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đặt ra.

“Chúng tôi tin rằng sau Đại hội này, những chương trình lớn, những mục tiêu lớn liên quan tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được Trung ương quan tâm ủng hộ” - đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu, khó khăn nhất đối với các địa phương nói chung và Vĩnh Long nói riêng trong thực hiện 19 tiêu chí của Chương trình là tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là trường học, trạm y tế, nước sạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng về công nghệ thông tin. Những chương trình đó ở cấp xã không thể thực hiện được, nhân dân ở xã sẽ tham gia đóng góp phần đất đai, phần công sức của mình.

“Những mục tiêu đầu tư, chúng tôi đề nghị Trung ương nên lồng ghép và đưa vào những chương trình, trước hết là cho những xã điểm của Trung ương, của tỉnh, của huyện, để tới năm 2020, cả nước có được 50% số xã đạt các tiêu chí đề ra” - đại biểu góp ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến - Bí thư Huyện ủy huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết Đảng bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ hy vọng Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ quyết định những vấn đề rất quan trọng của đất nước trong đó đề cập một cách rất sâu sắc về chủ trương phát triển mô hình nông thôn mới. Đây là chủ trương rất lớn tạo điều kiện cho các xã, phường, thị trấn ở khu vực ngoại thành Hà Nội xây dựng mô hình nông thôn mới theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện 19 tiêu chí đã đề ra. Trên cơ sở 19 tiêu chí đó, cần đánh giá lại và có thể có những bổ sung để có căn cứ rất quan trọng giúp các địa phương xây dựng mô hình nông thôn mới theo chủ trương của Đảng./.

Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+))

Tin cùng chuyên mục