“Phát tài” đêm Giao thừa

Bán lộc, trông xe… “phát tài” lớn đêm giao thừa

Trong đêm cuối của năm nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội tấp nập người và đây là thời điểm các dịch vụ bán lộc, trông xe "phát tài."
Trong đêm cuối cùng của năm, gió mùa Đông Bắc lạnh se sắt làm Hà Nội đậm hương vị Tết miền Bắc. Dòng người trẩy hội du Xuân về các tụ điểm bắn pháo hoa, đi lễ, vui chơi giải trí ở trung tâm thành phố ngày càng đông. Cũng nhờ thế mà các dịch vụ ăn theo được dịp “phát tài” trong đêm Giao thừa…

Từ 20 giờ, các tuyến phố trung tâm Hà Nội bắt đầu tấp nập. Người và xe từ khắp các ngả ùn ùn đổ về chung quanh Hồ Gươm, nơi có hai điểm bắn pháo hoa, một là phía trước trụ sở báo Hà Nội mới, và một là phía bưu điện thành phố, cùng các tụ điểm sân khấu ca nhạc ngòai trời chung quanh đó như đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà hát Lớn. Những con phố chung quanh đó như Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền… đã được cấm xe để dành đường cho người đi bộ.

21 giờ. Dòng người đổ về ngày càng đông đúc. Nhiều con phố khu trung tâm thành phố bị ùn tắc. Các điểm gửi xe trên vỉa hè phố Hàng Bài, Ngô Quyền, Tràng Tiền… đều hết chỗ.

Giá trông xe trong đêm giao thừa tại các điểm này cũng được dịp tăng cao chóng mặt với 20.000 đồng đến 25.000 đồng/xe máy; 5.000 đồng đến 10.000 đồng/xe đạp, dù theo quy định của thành phố là 2.000 đồng/xe máy, 1.000 đồng/xe đạp.

Giải thích của những người trông xe về giá dịch vụ tăng bất thường này là nụ cười và câu nói ngắn gọn: “Tết mà!” Nghe vậy, khách du xuân cũng đành cười và… rút ví.

“Phát tài” trong đêm trừ tịch cũng không thể không kể đến những người “bán cành lộc” - một dịch vụ mới hình thành ở Hà Nội vài năm trở lại đây. Theo quan niệm dân gian, cành lộc đêm cuối năm tượng trưng cho sự tốt lành, phát lộc, phát tài và may mắn.

Cành lộc thường là những cây mía tím hoặc những cành sung trĩu quả, ước vọng cho sự ngọt ngào, sung túc của năm mới được khách du xuân ưa chuộng. Cũng vì thế, đêm cuối năm, dọc các tuyến phố như Trần Khát Chân, Bạch Mai, Phố Huế, Đại Cồ Việt, các điểm bán cành lộc mọc lên như nấm. Giá một cành sung nho nhỏ vào khoảng 30.000 đồng đến 40.000 đồng, còn cây mía cũng có giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/cành.

Tại trước cửa hàng Hapro phía ngã tư Trần Khát Chân, Bạch Mai, phố Huế, Đại Cồ Việt, chốc chốc, vợ chồng anh Nguyễn Đức Chiến, Ngọc Huyền (dốc Lương Yên, quận Hai Bà Trưng) lại rao mời: “Chị ơi, anh ơi, mua cây mía lấy may đi.” Anh Chiến cho hay, đã 5 năm nay, cứ đến đêm cuối cùng của năm là anh và vợ cùng hai cô con gái là Trang, Nhung, lại bán cành lộc tại đây.

Với gia đình anh, vừa đón giao thừa, vừa xem bắn pháo hoa và bán những cành lộc phục vụ người đi du xuân là một niềm vui nho nhỏ. “Cành lộc tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn và cũng đem lại một khỏan ‘lì xì’ đêm giao thừa, giúp cho giây phút mở đầu một năm mới của gia đình tôi được hanh thông,” anh Chiến cho hay../.

Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục