Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020

Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán và quyết tâm trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. 
Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020 ảnh 1Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 24/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam,” nhằm trao đổi và đối thoại các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội.

Từ một nước chậm phát triển, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế từ khi tiến hành Đổi mới đến năm 2011 đạt bình quân khoảng 7%/năm.

Sau khi tăng trưởng chậm lại trong các năm 2011-2012 do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 5,4% và dự kiến năm 2014 sẽ tăng trưởng từ 5,8-6%. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% trong đầu thập niên 90 của thế kỷ trước xuống còn 7,8% năm 2013.

Theo Báo cáo phát triển con người (HDR) năm 2013 của UNDP, Việt Nam nằm trong số 40 nước đang phát triển đạt tiến bộ vượt dự kiến về phát triển con người với chỉ số phát triển con người tăng 41% trong hai thập kỷ qua.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), số người dùng Internet tại Việt Nam đạt gần 31 triệu người, chiếm khoảng 34% dân số, đứng thứ ba ở Đông Nam Á và thứ tám ở châu Á. Điều này phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm và nỗ lực phát triển con người của Việt Nam trong thời gian qua.

Gần đây, khi kinh tế chịu tác động tiêu cực của khó khăn kinh tế toàn cầu, Việt Nam không những không cắt giảm, mà còn đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội. Đây là những minh chứng rõ ràng cho sự nhất quán và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Nhận thức rõ điều này, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nhằm phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020 với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu. Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với coi trọng bảo vệ môi trường. Phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội.

Nhà nước bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người dân phát huy khả năng sáng tạo và được phát triển toàn diện. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhằm phát huy lợi thế dân số và con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực gắn kết với phát triển khoa học-công nghệ.

Cũng tại hội thảo, nhận định về những lợi thế của Việt Nam, bà Helen Clark, Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh Việt Nam có nhiều điểm mạnh, trong đó có lực lượng lao động tương đối trẻ và cạnh tranh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và ở vị trí trung tâm một khu vực phát triển năng động.

Trong khi xem xét các biện pháp cải cách thuộc thế hệ mới, Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển bao trùm và bền vững. UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình cải cách.

Gợi ý một số lĩnh vực quan trọng để Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, bà Helen Clark cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như là một phần hữu cơ trong chiến lược tăng trưởng của đất nước.

Bên cạnh đó Việt Nam tiếp tục nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới, tạo ra được nhiều việc làm tốt; mở mang nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt; cải cách các hệ thống bảo trợ xã hội; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch.

Sau phiên khai mạc, Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng bao trùm, cũng như xác định mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng và thể chế kinh tế, những ưu tiên hiện nay trong việc cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn với các giải pháp cải cách cơ cấu thể chế trung, dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục