Phát triển Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên thành trọng điểm ở Bắc Bộ

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho biết Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cần phấn đấu 50% giảng viên là tiến sỹ, phát triển trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Phát triển Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên thành trọng điểm ở Bắc Bộ ảnh 1Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh minh họa. Quý Trung/TTXVN)

Theo giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường  khoa học công nghệ cao, có nghiệp vụ sư phạm giỏi, cung cấp Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cần phấn đấu 50% giảng viên là tiến sỹ, phát triển trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong khu vực và cả nước.

Dự lễ khai giảng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sáng 1/10, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng những kết quả quan trọng của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhận định trải qua 49 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật và sư phạm cao, cung cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước.

Chúc mừng thành công của đội tuyển Robot của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á-Thái Bình Dương 2015 và xuất sắc mang về chiếc cúp vô địch lần thứ năm cho Việt Nam, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ đây là kết quả đáng trân trọng, cho thấy sự sáng tạo của sinh viên rất lớn, đó cũng là phẩm chất tiêu biểu của người Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý nhà trường có thể đăng ký với Bộ Khoa học-Công nghệ nghiên cứu sáng tạo những robot cần thiết cho cuộc sống (robot phục vụ gia đình, robot thể thao...), từ đó góp phần vào định hướng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp robot.

Theo giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi trường đại học phải là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp, có khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả vào công việc và quản lý.

Trường cần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đổi mới chương trình, giáo trình mang tính khoa học cao, tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đồng thời phải có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình đất nước. Thực hiện quan điểm học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của học viên, sinh viên.

“Để phát triển lâu dài, trường cần có được hai loại đối tác chiến lược là các trường đại học nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước," giáo sư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các sinh viên tự giác, tích cực học tập, nghiên cứu, phát huy khả năng sáng tạo độc lập, khả năng làm việc nhóm, tăng cường học tập ngoại ngữ và các kỹ năng mềm để tự hoàn thiện bản thân trước khi tốt nghiệp bước vào môi trường làm việc đầy cạnh tranh và năng động một cách tự tin, phát huy được trí tuệ, bản lĩnh của người thanh niên Việt Nam; có thêm nhiều ý chí, khát vọng, xây dựng đất nước phát triển, tiến nhanh, tiến mạnh, đạt nhiều thành tựu rực rỡ.

Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã tặng 30 suất học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2014-2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục