Phát triển doanh nghiệp khoa học-công nghệ trường đại học

Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học đồng thời sẽ ban hành các chính sách chế cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Ngày 1/8, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Văn phòng Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trường đại học: Bài học kinh nghiệm quốc tế.”

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, đại diện lãnh sự quán và các diễn giả đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá trong bối cảnh hiện nay, việc hình thành các tổ chức đầu mối, đơn vị trung gian, đào tạo cán bộ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, giúp cán bộ nghiên cứu bảo hộ sáng chế; đồng thời hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu là việc làm cần thiết, phải được triển khai mạnh mẽ và có tổ chức thực hiện trong các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học đồng thời sẽ ban hành các chính sách về kinh phí và biên chế cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Đồng thời, Bộ cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho tất cả các hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu của các trường đại học ra ngoài xã hội cũng chú trọng hơn nữa đến quyền lợi của các nhà nghiên cứu.

Theo tiến sỹ Mai Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Công nghệ cao - Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay việc ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ đang có những khó khăn nhất định từ các yếu tố như chính sách, vốn, cơ chế đầu tư...

Tiến sỹ Mai Thanh Phong cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mang tính hệ thống cho các doanh nghiệp ươm tạo và các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Để doanh nghiệp phát triển cần phải có nguồn tài trợ lâu dài và ổn định cho doanh nghiệp đó; các doanh nghiệp cũng cần có nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện ươm tạo và hoàn thiện sản phẩm và sản xuất thử nghiệm.

Đồng thời, một số trung tâm ươm tạo quan trọng cần được đầu tư thích đáng, tránh đầu tư dàn trải, thiếu tập trung; bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa các Trung tâm ươm tạo trên từng địa bàn, vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu quốc tế cũng đã trình bày những tham luận có ý nghĩa quan trọng trong việc ươm tạo các doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trường đại học ở Việt Nam như tổng quan về hoạt động và mô hình của các cơ sở ươm tạo thuộc các trường đại học, Viện nghiên cứu của Đài Loan; Kinh nghiệm xây dựng và phát triển trung tâm ươm tạo từ mô hình của Trung tâm ươm tạo và đổi mới thuộc Đại học Công nghệ Triều Dương; Kinh nghiệm đầu tư cho ươm tạo doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tại Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục