Phát triển kỹ thuật lọc màng bụng chữa bệnh thận ở Việt Nam

Ngày 17/3, Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Đại diện Văn phòng Baxter Healthcare tại Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kỹ thuật lọc màng bụng ở Việt Nam.
Phát triển kỹ thuật lọc màng bụng chữa bệnh thận ở Việt Nam ảnh 1Nhân viên khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai điều trị thận lọc máu cho bệnh nhân mắc bệnh thận. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Y tế đang đẩy mạnh các hoạt động để phát triển kỹ thuật thuật lọc màng bụng trong điều trị bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối ở Việt Nam, nhằm giúp người bệnh tiếp cận kỹ thuật lọc màng bụng được thực hiện với chi phí thấp hơn mà vẫn có hiệu quả.

Nội dung trên được nhấn mạnh trong bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kỹ thuật lọc màng bụng ở Việt Nam giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Đại diện Văn phòng Baxter Healthcare tại Việt Nam đã ký kết sáng 17/3, tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, tại Việt Nam số lượng người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối ngày càng gia tăng. Ước tính hiện nay có trên 80.000 người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, trong khi nhu cầu của người bệnh được áp dụng các phương pháp điều trị thay thế thận ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay tất cả các trung tâm thận nhân tạo trên toàn quốc đều bị quá tải, không đáp ứng nhu cầu lọc máu ngày càng tăng của người bệnh. Do vậy phương pháp lọc màng bụng liên tục ngoại trú tại nhà là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận vừa thuận lợi, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị.

Hiện nay, có ba phương pháp điều trị thay thế thận: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, chạy thận nhân tạo và ghép thận là các kỹ thuật y học chuyên sâu phải thực hiện ở các bệnh viện có năng lực chuyên môn giỏi, có trang thiết bị y tế hiện đại và quá trình điều trị rất tốn kém về kinh phí.

Tiến sỹ Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay: “Việc phát triển kỹ thuật lọc màng bụng nhằm đa dạng hóa các kỹ thuật lọc máu ở Việt Nam, giúp cho người dân được tiếp cận dịch vụ lọc máu thuận lợi, dễ dàng hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, qua đó góp phần giảm quá tải tình trạng chạy thận nhân tạo ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh.”

Hai bên đã ký bản ghi nhớ với các nội dung hợp tác như đào tạo, chuyển giao kỹ thuật lọc màng bụng và cập nhật kiến thức mới về kỹ thuật này trong điều trị bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối; Phát triển cơ sở thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng mới ở các bệnh viện ở tỉnh; Thực hiện chương trình truyền thông, giáo dục người bệnh góp phần vào chương trình đào tạo nâng cao nhận thức của người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối và các giải pháp điều trị lọc máu thay thế thận.

Hiện nay có 28 trung tâm lọc màng bụng tại Việt Nam, đặc biệt là 3 trung tâm lớn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 115. Các trung tâm lọc màng bụng chuẩn thực hiện áp dụng tiêu chí điều trị theo các các nước trong khu vực như Hong Kong, Thái Lan.

Ông Trần Quý Tường cho biết, trong thời gian tới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện căn cứ vào yêu cầu lọc màng bụng của người bệnh tại địa phương để khẩn trương triển khai kỹ thuật lọc màng bụng, cử các bác sỹ đã tham gia tập huấn và sau đó là giảng viên giới thiệu, tập huấn cho các bác ỹ, thày thuốc khác trong bệnh viện để nhiều người hiểu và chỉ định, áp dụng tốt kỹ thuật lọc màng bụng này.

Việc hợp tác giữa Baxter và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế không chỉ có ý nghĩa trong ngành y tế mà còn là hoạt động góp phần kỷ niệm 20 năm mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ./.


Lọc màng bụng (hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hoá, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi.

Ngoài việc triển khai lọc màng bụng cấp cứu tại bệnh viện trong một số trường hợp, ngày nay thực hiện lọc màng bụng liên tục ngoại trú (lọc màng bụng tại nhà) được áp dụng cho người bệnh suy thận mạn tính.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục