Phát triển ngành cơ khí: "Chính sách phải đi liền với tín dụng"

Theo Bộ Công Thương, đầu tư vào lĩnh vực cơ khí đòi hỏi thời gian dài, khả năng thu hồi vốn lâu do vậy mọi chính sách đề ra cũng phải có nguồn tín dụng để hỗ trợ.
Phát triển ngành cơ khí: "Chính sách phải đi liền với tín dụng" ảnh 1Cách đại biểu đang bàn cách tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều văn bản pháp luật được ban hành kể từ năm 2002 nhằm tạo ra một cú hích cho ngành cơ khí trong nước cũng như giúp phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài nhiều mục tiêu của ngành cơ khí Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi.

Tại Hội thảo "Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm," do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội cơ khí Việt Nam tổ chức sáng 18/12, nhiều ý kiến đã chỉ ra những tồn tại trong việc thực thi các chính sách trên qua đó kiến nghị những giải pháp nhằm chấn hưng ngành công nghiệp then chốt này.

Trọng điểm nhưng vẫn dàn trải

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh năm sau cao hơn năm trước nhưng mục tiêu chính là đến năm 2010 là đáp ứng 40-50% nhu cầu sản phẩm cơ khi trong nước đã không đạt được, thực tế đến năm 2012 ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,58%.

Trong khi đó, nhập siêu ngành cơ khí tương đối lớn, riêng giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD; năm 2012 là 16,04 tỷ USD). Điều đó cho thấy việc phát triển ngành cơ khí còn nhiều bất cập.

Nhìn nhận thực tế trên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, tuy có nhiều chính sách được ban hành nhưng trên thực tế chỉ có một số cơ chế, chính sách đi được vào cuộc sống.

Đơn cử, Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg khi ban hành để hỗ trợ ngành cơ khí nhưng do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khó khăn về nguồn vốn nên đến nay mới chỉ có 3/11 dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được giải ngân với giá trị giải ngân là 60,73 tỷ đồng, bằng 16% tổng giá trị phê duyệt.

Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng đầu tư cho các dự án này vẫn ở mức cao, khoảng 10,5% , nên trên thực tế không hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, cũng như có chiến lược phát triển lâu dài.

"Chúng ta bỏ ra hàng chục tỷ USD để đầu tư vào bất động sản, nhưng ngành công nghiệp cơ khí được đánh giá là xương sống cho ngành công nghiệp thì lại đầu tư không quá 0,3 tỷ USD," ông Thụ nói.

Phát triển ngành cơ khí: "Chính sách phải đi liền với tín dụng" ảnh 2Ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam vẫn chưa đủ lực để cạnh tranh trên thị trường quốc tế (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Chính sách đúng, đầu tư hỏng"

Có thể thấy, hàng loạt chính sách được các chuyên gia cho rằng là đủ để giúp ngành công nghiệp cơ khí có thể phát triển. Thậm chí, tại quyết định số 112/2003/QĐ-TTg ngày 9/6/2003 Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban và Bộ Công Thương đã thành lập Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm và Hội đồng thẩm tra các dự án cơ khí trọng điểm.

Tuy nhiên, dù ban hành nhiều nhưng đến nay nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống. Theo ý kiến của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), chính sách đưa ra thì đúng nhưng đầu tư vào đâu thì hỏng ở đó. Ông Kiên đơn cử, Bộ Công Thương định hướng đầu tư cho điện tử thì hổng điện tử, ô tô thì hổng ô tô...,

Từ đánh giá trên, theo ông Huyên, không phải doanh nghiệp ngại khó khăn mà vấn đề chính là việc thực thi chính sách. "Các bộ ngành khi xây dựng chính sách để trình Thủ tướng thì phải có chế tài thực hiện, không thì chính sách lại nằm trên giấy," ông Huyên nói.

Thực tế cho thấy, ngành cơ khí Việt Nam sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Nếu không tận dụng được lực đẩy nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì cơ hội sẽ mất dần..

Tại buổi hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện một cơ chế chính sách chung cho ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Công nghiệp năng cũng chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực cơ khí đòi hỏi thời gian dài, khả năng thu hồi vốn lâu do vậy mọi chính sách đề ra cũng phải có nguồn tín dụng để hỗ trợ.

"Chúng ta đã có quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ban hành để hỗ trợ ngành cơ khí nhưng với lãi suất còn cao (ở mức 10,5% là rất cao so với thực tế). Do vậy cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thực thi chính sách," ông Tuấn nêu ý kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục