Phát triển ngành Hàn Quốc học góp phần tăng quan hệ hai nước

Ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đang phát triển đúng hướng, mấu chốt vấn đề là ở chỗ cần nhanh chóng đạt được các mục tiêu nhằm hoàn thiện cơ cấu.
Phát triển ngành Hàn Quốc học góp phần tăng quan hệ hai nước ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/Vietnam+)

Ngày 18/7, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm Hàn Quốc học ở Việt Nam - Nhìn lại để phát triển."

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 học giả, nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện, trường đại học nổi tiếng của Việt Nam và Hàn Quốc.

Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Hội thảo nhằm điểm lại những thành tựu quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu suốt chặng đường dài đã qua, rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng cho những bước tiến mới vững chắc trong thời gian tới trong công tác nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hàn cũng như các lĩnh vực của Hàn Quốc học.

Những thành tựu của ngành Hàn Quốc học đã đáp ứng ngày càng hiệu quả về nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực, cũng như tài nguyên nghiên cứu Hàn Quốc học trong mối quan hệ hợp tác đang phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.

Năm 1992, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. 18 tháng sau, ngành Hàn Quốc học đã được mở tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Từ đó đến nay, ngành này đã không ngừng phát triển, hiện cả nước có 15 trường đại học và cao đẳng đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học.

Bên cạnh đó, đã có 6 trung tâm Sejong và nhiều trung tâm giảng dạy tiếng Hàn ở nhiều trường đại học; Viện nghiên cứu Đông Bắc Á cũng thành lập Trung tâm Hàn Quốc học. Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc được thành lập năm 2011 là hội nghiên cứu đất nước học đầu tiên ở Việt Nam.

Theo giáo sư, tiến sỹ Mai Ngọc Chữ, Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam, ngoài việc nghiên cứu tiếng Hàn vốn là chỗ mạnh của Việt Nam hiện nay thì nghiên cứu toàn diện về Hàn Quốc đang là một yêu cầu cấp bách hiện nay.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã nâng lên tầm hợp tác chiến lược, do vậy những nghiên cứu mang tính chất truyền thống về lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo... rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu mang tính thời sự và tính thực tiễn cao hơn, về những vấn đề kinh tế-chính trị-xã hội hiện đại của Hàn Quốc.

Tại Hội thảo, các học giả, nhà khoa học hai nước đã tập trung thảo luận về các vấn đề như nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam cũng như hướng phát triển trong thời gian tới ở Việt Nam; xây dựng mạng lưới trong vào nước cho sự phát triển của Hàn Quốc học ở Việt Nam...

Theo các nhà khoa học, ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đang phát triển đúng hướng, mấu chốt vấn đề là ở chỗ cần nhanh chóng đạt được các mục tiêu nhằm hoàn thiện cơ cấu như cần có đội ngũ nhân lực đạt học vị tiến sỹ, sau khi đã có học vị thì tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xuất bản các công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt, phát triển và vận dụng kết quả đó làm giáo trình.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục