Phát triển văn hóa đọc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát triển văn hóa đọc cần sự gắn kết và liên thông chặt chẽ với phát triển văn hóa, giáo dục trong, ngoài nhà trường nhằm xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát triển văn hóa đọc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ảnh 1Ngày hội Sách và văn hóa đọc năm 2015 tại Vĩnh Long. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN) 

Phát triển văn hóa đọc để tiếp thu tri thức nhân loại, làm giàu thêm tri thức của dân tộc, con người Việt Nam, đó là quan điểm chung của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28/7, tại Hà Nội.

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng phát triển văn hóa đọc cần sự gắn kết và liên thông chặt chẽ với phát triển văn hóa, giáo dục trong, ngoài nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Các cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo, thư viện, gia đình cần tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có thể đọc sách, tham gia vào việc xây dựng môi trường đọc thân thiện.

Phát triển văn hóa đọc cũng gắn với việc nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin, tri thức dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng, tạo cơ hội cho việc học tập suốt đời của người dân ở mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh đó, việc phát triển văn hóa đọc cũng góp phần điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh, xu hướng đọc đúng đắn, gắn việc đọc với bồi dưỡng lòng yêu nước, đóng góp vào việc hình thành con người có nhân cách, có lối sống lành mạnh, tri thức, kỹ năng sống và ý thức tuân thủ pháp luật.

Với mục tiêu hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc cho mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào học tập trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai, nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường định hướng của Đảng, quản lý, chỉ đạo của Nhà nước về phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về văn hóa đọc; giáo dục kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; nâng cao chất lượng, cải tiến các xuất bản phẩm phù hợp với thời đại công nghệ thông tin phát triển…

Một số đại biểu kiến nghị cần điều chỉnh cấu trúc Dự thảo, trong đó nói rõ hơn về thực trạng văn hóa đọc, cơ sở hạ tầng phục vụ văn hóa đọc; mục tiêu dự thảo cũng phải nêu bật mục đích, vai trò của việc đọc sách, mục tiêu cụ thể cần hướng tới đưa vào phần cuối dự thảo và gọi chung trong mục “Những kết quả mong đợi của đề án.”

Cuối năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt danh mục các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2015, trong đó có Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030.”

Đề án là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng hiệu quả thế hệ người đọc tương lai, thực hiện mục tiêu Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tháng 2/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phê duyệt kế hoạch xây dựng Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030. Dự thảo Đề án đã xây dựng, đang được đưa ra lấy ý kiến các cấp, các ngành hữu quan.

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo lần này sẽ được tiếp thu, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Đề án trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2015./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục