Philippines tăng trưởng nhờ chính sách và nhân lực

Chính sách phát triển kinh tế gắn với vấn đề dân số của Philippines giúp nước này tăng trưởng và thu hút giới đầu tư nhiều nước.
Nhật báo Phố Wall số ra ngày mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả James Hookway đánh giá về chính sách phát triển kinh tế gắn với vấn đề dân số của Philippines.

Khi các cường quốc công nghiệp châu Á bắt đầu bước vào con đường chuyển đổi kinh tế vào thập niên 1970 và 1980, Philippines đã bị bỏ lại phía sau.

Dưới chế độ của nhà độc tài Ferdinand Marcos, khi vấn nạn tham nhũng tràn lan, nhiều người Philippines đã phải ra đi. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương và Chính phủ Philippines, hiện hơn 10 triệu trong số 100 triệu người dân Philippines làm việc ở nước ngoài đã chuyển về quê hương hơn 20 tỷ USD mỗi năm giúp những người thân.

Philippines hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh nhất châu Á, với mức trung bình 1,7%/năm, so với tỷ lệ 0,5% ở Trung Quốc - một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực với khoảng 7%.

Nếu như không nỗ lực nâng năng suất lao động, tạo việc làm, những lợi ích về mặt nhân khẩu học rất dễ trở thành quả bom hẹn giờ trong lĩnh vực dân số.

Để giúp nền kinh tế đất nước hấp thụ được làn sóng những người tìm việc làm, Tổng thống Benigno Aquino III đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc chống tham nhũng vì một chính phủ minh bạch hơn chính là nền tảng cơ bản để có được lòng tin kinh doanh và tạo việc làm.

Việc giám sát chặt chẽ đã giúp giảm chi tiêu lãng phí của chính phủ, tạo động lực cho nền kinh tế và duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,6% trong năm 2012.

Bên cạnh đó, Philippines đã vượt Ấn Độ trở thành nguồn cung cấp dịch vụ ngoại biên hàng đầu thế giới. Các ngân hàng như HSBC, Wells Fargo và Citibank cũng đã mở lại các văn phòng ở Philippines.

Để duy trì động lực này, chính phủ chi trả cho việc đào tạo 100.000 người mỗi năm ở các trường chuyên ngành. Benedict Hernandez, người đứng đầu Hiệp hội Đánh giá Kinh doanh Philippines, nhận xét chính phủ đã có những thay đổi hoàn toàn, không còn duy trì mô hình cứng nhắc như một, hai năm trước kia.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như đánh giá của một số nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á là cơ sở hạ tầng nghèo nàn cũng có nghĩa Philippines còn phải phấn đấu mới có thể thu hút được đầu tư trong lĩnh vực chế tạo.

Nhưng dẫu sao Philippines cũng đã bắt đầu vượt qua được những nghi ngại. Cuối tháng Ba vừa qua, hãng xếp hạng Fitch Ratings lần đầu tiên đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Philippines lên mức đáng đầu tư. Mọi thứ đang dần vào quỹ đạo hơn.

Dvid Bonderman, người sáng lập tập đoàn TPG Capital, đã phát biểu trong cuộc họp đầu tư ở Hong Kong hồi cuối năm ngoái rằng lần đầu tiên trong đời ông nghĩ rằng đây là địa điểm có thể làm ăn kinh doanh mà không cần phải cân nhắc hay lo ngại thua lỗ./.

Tố Uyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục