Phó Chủ tịch FED quan ngại sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ

Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (F​e​d) Stanley Fischer​ bày tỏ quan ngại trước những tác động mà chủ nghĩa bảo hộ có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.
Phó Chủ tịch FED quan ngại sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ ảnh 1Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fe​d) Stanley Fischer​. (Nguồn: Reuters)

Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (F​e​d) Stanley Fischer​ bày tỏ quan ngại trước những tác động mà chủ nghĩa bảo hộ có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 28/3, ông Fischer nhận định các chính sách kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu, cụ thể, giao thương quốc tế phát triển đã tạo điều kiện để các quốc gia ngày nay có thể dễ dàng mua những hàng hóa mà trước đó khó có thể tiếp cận.

Nhìn chung, ông Fischer tin tưởng duy trì một nền kinh tế thế giới kết nối chặt chẽ là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy tăng trưởng và bày tỏ quan ngại trước nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy sẽ đảo ngược mô hình này.

Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã dẫn tới nhiều chính sách mang màu sắc của chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm đề xuất áp đặt mức thuế 20% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu, trong khi miễn thuế cho hàng hóa xuất khẩu hay việc đe dọa rút khỏi các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Liên quan tới chính sách tiền tệ của Mỹ, Phó Chủ tịch Fed cùng chia sẻ dự đoán của giới hoạch định chính sách Fed, rằng nước Mỹ sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Ông cũng cho biết Fed đang theo dõi chặt chẽ các cam kết của chính quyền Tổng thống Trump về các kế hoạch kích thích tài chính chính phủ.

Trong một diễn biến khác, trên thị trường Mỹ, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 3 lên mốc cao nhất từ tháng 12/2000, tăng 9,5 điểm lên 125,6 điểm.

Bên cạnh đó, trong báo cáo chỉ số kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết thâm hụt thương mại trong tháng 2 đã thu hẹp 5,9% xuống còn 64,8 tỷ USD.

Trong bối cảnh lạc quan của thị trường lao động, giới quan sát cho rằng dấu hiệu này phản ánh nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng sau những bước chập chững hồi đầu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục