Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ dự WEF 2011

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ 26-30/1, ở Thụy Sĩ.
Ngày 19/01, tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố chương trình chính thức của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 41 tại Davos, Thụy Sĩ.

Với chủ đề "Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới," WEF 2011 sẽ diễn ra từ ngày 26-30/1 tới.

Tham dự Diễn đàn năm nay, sẽ có 2.500 đại biểu tới từ hơn 100 quốc gia trên thế giới và từ các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, văn hóa... Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự WEF 2011.

Ngày 19/01, tại buổi họp báo giới thiệu WEF 2011, người sáng lập và đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab tuyên bố, sự chuyển dịch quyền lực chính trị và kinh tế từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam, cũng như tốc độ đổi mới công nghệ như vũ bão đã tạo ra một thực tế hoàn toàn mới. Các hệ thống và mô hình đưa ra các quyết sách quốc tế đã không còn phù hợp với những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của những biến đổi nêu trên.

Ông Klaus Schwab nói: "Năm nay, tại Davos, chúng ta sẽ tập trung xem xét các tác động của cuộc khủng hoảng vừa qua, cùng nhau xác định thực tế mới và thảo luận về các tiêu chuẩn chung cho một sự hợp tác toàn cầu trong kỷ nguyên mới này."

Ông Schwab cũng cho biết thêm, Hội nghị hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là hội nghị thượng đỉnh quốc tế duy nhất trên thế giới xem xét một cách toàn diện mọi thách thức mà thế giới phải đương đầu và đề xuất các ý tưởng, giải pháp cho chương trình hành động của G20. Ngoài ra, cũng theo Chủ tịch của WEF, WEF 2011 sẽ đề xuất đưa ra mô hình đối phó với các nguy cơ, thiết lập cơ chế cho phép giới chức phụ trách các lĩnh vực công và tư nhận biết được các nguy cơ mang tính hệ thống để giảm thiểu những nguy cơ này trước khi tình trạng khủng hoảng diễn ra.

Giới chuyên gia phân tích kinh tế Thụy Sĩ hy vọng, WEF 2011 sẽ giúp các quốc gia trên thế giới đối phó tốt hơn với các nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu, cũng như giúp xây dựng các chiến lược hạn chế các nguy cơ và nắm bắt thời cơ phát triển kinh tế thế giới./.

Đức Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục