Phối hợp kiểm soát hoạt động liên quan đến ma túy

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg Ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg Ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Nguyên tắc phối hợp phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy thống nhất theo từng ngành, lĩnh vực được phân công; tránh chồng chéo, sót lọt, cản trở các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp trong việc cấp phép, theo dõi, kiểm tra và giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, y tế và đấu tranh chống tội phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an là cơ quan đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Hoạt động phối hợp giữa các Bộ này nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Quy chế quy định cụ thể 6 nội dung phối hợp gồm:

1- Kiểm soát hoạt động nhập khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;

2- Kiểm soát hoạt động xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;

3- Kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;

4- Kiểm soát các hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;

5- Trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy;

6- Theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Cụ thể về phối hợp kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất, lực lượng Hải quan có trách nhiệm giám sát hàng từ khi tạm nhập đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc thay đổi mẫu mã, bao bì của hàng tạm nhập tái xuất phải được sự đồng ý của cơ quan cấp phép và giám sát của lực lượng Hải quan.

Trong quá trình làm thủ tục tạm nhập tái xuất, khi phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định trong giấy phép, lực lượng Hải quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo cho Bộ Công an và Bộ Công Thương để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục