Phòng chống cháy rừng thời điểm nắng nóng gay gắt

Công tác phòng chống cháy rừng, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Công tác phòng chống cháy rừng, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay đang được các địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp "phòng hỏa" đã được tập trung triển khai.

Tại Phú Yên, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống chữa cháy rừng; yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ rừng có trách nhiệm rà soát hiện trạng rừng trồng hoặc rừng được giao quản lý để qua đó duy tu hệ thống đường băng cản lửa và thường xuyên tuần tra tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để thông tin, xử lý tình huống có cháy rừng xảy ra.

Chi cục kiểm lâm Phú Yên đã củng cố 55 ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã, 209 tổ, đội bảo vệ rừng và phóng cháy chữa cháy rừng đồng thời thường xuyên theo dõi, truyền tải kịp thời bản tin cấp dự báo cháy rừng đến từng đơn vị kiểm lâm để chủ động tuần tra, phát hiện dập lửa không để cháy lan.

Hạt kiểm lâm các địa phương đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các xã chủ động lập kế hoạch quản lý rừng tại chỗ, tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Bảo vệ, phát triển rừng bằng hình thức lồng ghép trong các cuộc họp dân; cắm 500 bảng cấm lửa rừng và phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa để xảy ra cháy rừng nhưng tình trạng chặt phá, lấn đất rừng, khai thác rừng trái phép ngày càng phức tạp và đã phát hiện một vụ 5 hộ dân đang ngang nhiên dọn đốt khoảng 1 hecta rừng tại xã Sông Hinh thuộc huyện miền núi Sông Hinh. Tuy nhiên, các hộ dân này đều từ chối không thừa nhận hành vi của mình và nói rằng chỉ chăn bò, hái củi chứ không biết ai đốt. Ngoài ra, Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả qua tuần tra 5 đợt đã phát hiện và tiêu hủy 28 lò than hầm.

Tại Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, Chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng; chủ động nắm chắc diễn biến thời tiết gắn với việc xây dựng, bổ sung đầy đủ kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức huấn luyện, diễn tập đầy đủ các nội dung đồng thời phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, trang bị sẵn sàng cơ động tham gia phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng; xử lý kịp thời mọi tình huống khi có sự cố xảy ra cháy rừng.

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, sức người, phương tiện, lấy phòng là chính; khi có tình huống xảy ra, chủ động, kịp thời, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng tham gia ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các khu rừng dễ cháy đều phải có đường băng cản lửa, chòi quan sát, trạm bảo vệ, kịp thời phát hiện, thông báo, báo động cháy rừng cho các lực lượng chức năng.

Vĩnh Phúc hiện có trên 33.000ha rừng, (trong đó, rừng tự nhiên chiếm 11.522ha; còn lại là rừng trồng thuộc dự án 661 và rừng phòng hộ). Khu vực rừng tự nhiên là khu vực rừng nguyên sinh, có nhiều cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Các con đường dẫn vào các khu vực cửa rừng thường là đường mòn, suối sâu, dốc đứng. Nếu xảy ra cháy rừng thì công tác phòng cháy chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Tại khu vực rừng tự nhiên, dưới chân núi đa phần là khu định cư của đồng bào dân tộc Sán Dìu, ý thức bảo vệ rừng và công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế, bà con thường xuyên vào rừng sâu đốt nương, làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, dễ gây ra các vụ cháy rừng.

Tại Nghệ An, xác định phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách trong mùa nắng nóng hiện nay, tỉnh đề nghị các địa phương phối hợp với ngành kiểm lâm và các ngành liên quan nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để chủ động xây dựng phương án, tiến hành đồng bộ các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Đến đầu tháng 5/2012, tỉnh kiện toàn và thành lập được 345 Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng các cấp; 1.920 tổ, đội quần chúng chữa cháy rừng với trên 22.170 thành viên. Tỉnh cũng đề nghị Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng bố trí người trực 24/24 giờ tại những khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; thực hiện việc phát dọn thực bì, lau lách; làm đường ranh cản lửa; diễn tập các phương án phòng chống cháy rừng.

Vào những ngày này, thời tiết rất nắng nóng, khô hạn, cộng với gió Lào bắt đầu xuất hiện nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở tỉnh Nghệ An rất cao. Công tác phòng, chống cháy rừng tại địa phương hiện gặp nhiều khó khăn do diện tích rừng lớn, giao thông đi lại khó khăn; trong khi, lực lượng chữa cháy rừng thiếu về số lượng, trang thiết bị chữa cháy.

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn, với gần 884.000ha, được phân bố trên các địa hình phức tạp, gồm nhiều loại hình rừng dễ cháy như: rừng phục hồi, rừng tre nứa, rừng thông. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, mặc dù có sự khuyến cáo của các ngành chức năng nhưng người dân vẫn có thói quen sản xuất xen kẽ trong rừng, thậm chí thắp hương hoặc săn bắn trong rừng nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.

Mới đây nhất, chiều 1/5, tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc đã xảy ra cháy rừng. Lực lượng chức năng đã huy động trên 1.000 người gồm các ngành công an, quân đội, kiểm lâm cùng người dân để khống chế, dập lửa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục