Phòng ngừa các hành vi bạo lực trong học sinh nữ

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ.”
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ.”

Tham luận tại hội thảo đã cho thấy rõ nét thực trạng, nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong học sinh nữ và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Theo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đã đến lúc cần cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực học đường để xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, của các ngành các cấp trong cuộc đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tình trạng này, xây dựng môi trường sống an toàn và bình yên cho thế hệ trẻ.

Số cuộc gọi đến đường dây nóng của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phản ánh các vụ bạo hành đối với trẻ em tại trường học tăng 13 lần so với 10 năm về trước. Bạo lực do học sinh, sinh viên nữ gây ra còn làm xấu đi hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có lối sống văn hóa, lòng nhân hậu.

Theo kết quả khảo sát của tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, có 96,7% học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn đã khẳng định có tình trạng nữ sinh đánh nhau. Đáng sợ nhất là các em không nhận thức được hành vi của mình là sai - có tới 57,3% số nữ sinh từng đánh nhau coi việc đó là “bình thường” và 39,6% số nữ sinh “chấp nhận được” hành động này. Đó là một sự lệch chuẩn đạo đức nghiêm trọng, rất cần phát hiện, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.

Các nhà khoa học và chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực của học sinh nói chung và học sinh nữ nói riêng thuộc về cả gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính bản thân các em. Có nhà nghiên cứu cho rằng “Điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường ngày càng lan tràn như hiện nay là sự cô đơn bế tắc của trẻ. Cha mẹ chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ khiến các em không gần gũi, chia sẻ...”.

Những ý kiến đó thêm một lần nữa cho thấy trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, của gia đình, của người lớn cũng như của chính bản thân các em. Để giải quyết được vấn đề rất bức xúc này, đòi hỏi một quá trình với sự tham gia vào cuộc tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành cùng với gia đình và những người lớn yêu trẻ.

Các đại biểu đã đề xuất những giải pháp như tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm và bạo lực học đường của tổ chức Hội; những giải pháp bảo đảm chất lượng và hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa Hội Liên hiệp phụ nữ với các ngành-đoàn thể; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng gia đình (trong đó có vai trò người phụ nữ) đối với việc phòng ngừa hiệu quả hành vi bạo lực trong học sinh nữ.

Từ góc độ của những người làm cha, mẹ, đại diện phụ huynh học sinh trường Phổ thông trung học Trần Nhân Tông cho rằng để hạn chế bạo lực học đường, bên cạnh sự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh, gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con; củng cố mối quan hệ giữa các thành viên, tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục thế hệ trẻ. Sự gương mẫu trong các ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục ảnh hưởng lớn đến con cái.

Theo Vụ Công tác học sinh-sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cần có thái độ kiên quyết, phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm khắc với hành vi đánh nhau của học sinh. Công tác quản lý học sinh cần được đẩy mạnh, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ thời gian học sinh học tập tại trường. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực;” xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử văn hóa trong mỗi nhà trường; đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống cho học sinh.

Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cả ở trong chương trình chính khoá và hoạt động ngoại khoá cũng cần đổi mới để các bài giảng về đạo đức, lối sống cho học sinh sinh động, hấp dẫn, tiếp thu một cách tự nhiên.

Đáng chú ý, mỗi trường phổ thông trung học, trung học cơ sở cần thành lập “Đội An ninh học đường” với nòng cốt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Giáo viên và Học sinh), giám thị, bảo vệ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhằm thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn và ngặn chặn hiệu quả các vụ việc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục