Phụ nữ Ba Lan mặc đồ đen biểu tình phản đối dự luật cấm phá thai

Ngày 3/10, hàng chục nghìn phụ nữ Ba Lan, mặc toàn đồ đen, đã xuống đường biểu tình chống lại đề xuất cấm hoàn toàn việc phá thai tại nước này.
Phụ nữ Ba Lan mặc đồ đen biểu tình phản đối dự luật cấm phá thai ảnh 1Hàng chục nghìn phụ nữ Ba Lan mặc toàn đồ đen, đã xuống đường biểu tình chống lại đề xuất cấm hoàn toàn việc phá thai. (Nguồn: EPA)

Ngày 3/10, hàng chục nghìn phụ nữ Ba Lan, mặc toàn đồ đen, đã xuống đường biểu tình chống lại đề xuất cấm hoàn toàn việc phá thai tại nước này.

Tại thủ đô Warsaw, những người biểu tình, trong đó có rất nhiều cô gái trẻ, đã tập trung trước trụ sở đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền, phản đối dự luật mà họ gọi là "phi nhân tính" do một nhóm đông đảo các nghị sỹ đã đệ trình lên Quốc hội Ba Lan tuần trước.

Cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng khắp các thành phố lớn của Ba Lan, thông qua các mạng xã hội, những người phụ nữ được kêu gọi đình công để thể hiện thái độ phản đối dự luật này.

Nhiều hoạt động ủng hộ phụ nữ Ba Lan đã diễn ra ở Paris (Pháp), Berlin (Đức), Brussels (Bỉ) và London (Anh).

Nếu dự luật trên được thông qua, bất cứ hình thức phá thai nào cũng sẽ bị cấm, chỉ trừ trường hợp tính mạng người phụ nữ mang thai đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Dự luật này thắt chặt hơn rất nhiều các quy định đã rất chặt chẽ của Ba Lan. Theo dự luật, các bác sĩ và nhân viên y tế bị phát hiện đã hỗ trợ việc phá thai, cũng như phụ nữ bị phát hiện đã phá thai, có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Hiện luật Ba Lan chỉ cho phép phá thai khi tính mạng của người phụ nữ mang thai bị đe dọa, khi có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng không thể đảo ngược với bào thai, và khi mang thai do bị hãm hiếp hay loạn luân - điều này phải được cơ quan công tố xác nhận.

Do những hạn chế khắt khe như vậy, số nạo phá thai bất hợp pháp khá cao tại quốc gia 38 triệu dân này.

Theo ước tính, số ca phá thai bất hợp pháp lên tới 100.000-150.000 một năm, cao hơn rất nhiều so với con số dưới 2.000 ca hợp pháp được thống kê.

Quốc hội Ba Lan cũng đã tiếp nhận một dự luật khác về hạn chế thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần chỉ cho phép thụ tinh một phôi thai và cấm việc lưu giữ phôi thai đông lạnh.

Theo Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski, Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về tình hình phụ nữ Ba Lan vào ngày 5/10 tại Strasbourg (Pháp)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục