Phụ nữ gặp nhiều rào cản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện không có các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, điều này đã vô tình trở thành rào cản khiến rất ít phụ nữ tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Phụ nữ gặp nhiều rào cản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ảnh 1Phụ nữ làm ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thiết kế của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện không có các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động. Điều này đã vô tình trở thành rào cản khiến rất ít phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức tham gia vào hệ thống an sinh xã hội này. Thậm chí, ngay cả trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tỷ lệ tham gia của phụ nữ cũng vẫn thấp hơn nam giới.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách về an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội hiện đại.

Tại Việt Nam, hệ thống chính sách lao động-việc làm và an sinh xã hội đã được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn còn bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Cụ thể, đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện đều còn thấp, cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống an sinh xã hội đang bị chậm trễ. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới... là những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội ít hơn nam giới.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: “Bản thân chính sách của chúng ta cũng khiến phụ nữ bị thiệt thòi. Thiết kế chính sách đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ đó là hưu trí và tử tuất, còn 3 chế độ ngắn hạn rất quan trọng đối với lao động nữ là thai sản, ốm đau, tai nạn lao động thì họ không được hưởng. Chính vì vậy, đây là rào cản của chính sách đối với phụ nữ.”

Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh đến nông nghiệp và thủy sản, những ngành này lại là một trong những nguồn sinh kế chính của phụ nữ, vì vậy, việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hôi cho phụ nữ và trẻ em gái đang rất cần được chú trọng.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khẳng định: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, tuy nhiên định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động. Rất nhiều phụ nữ bị trả công rẻ mạt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội.

Bà Shoko Ishikawa khuyến nghị, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới. Những nhu cầu, mong muốn, trách nhiệm và khác biệt về vai trò giới phải được xem xét kỹ càng khi xây dựng các chương trình và chính sách về an sinh xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục