Sính thời trang gợi cảm

Phụ nữ Hàn Quốc sính trào lưu thời trang gợi cảm

Hàn Quốc đã cởi mởi hơn với những phụ nữ thích mặc gợi cảm, tuy nhiên có nhiều tranh cãi về ranh giới giữa gợi cảm và lố bịch.
Xã hội Hàn Quốc đang ngày một cởi mởi hơn với những phụ nữ thích ăn mặc gợi cảm. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là những người già, vẫn thực sự khó chịu khi phải nhìn thấy những phụ nữ mặc đồ quá tiết kiệm vải.

Khi thời tiết nóng lên, quần áo sẽ phải mỏng đi. Hiện có rất nhiều nữ thanh niên Hàn Quốc thích đi dạo phố với trang phục cực ngắn ngắn, cực mỏng.

Với trang phục của các cô gái Hàn Quốc với vạt váy ngày càng ngắn hơn, cổ áo ngày càng trễ hơn để lộ da thịt một cách tối đa, người ta buộc phải đặt câu hỏi đâu là ranh giới giữa sự hấp dẫn và sự dung tục?

Nhiều cô nàng cho rằng họ trông đáng yêu hơn khi mặc quần áo cực mỏng nơi công cộng. Cô Bang Su-won, 21 tuổi, tâm sự “Tôi nghĩ việc khoe cơ thể mình thể hiện sự tự tin và điều đó chẳng có gì là sai cả. Tôi không thấy có vấn đề gì khi phụ nữ mặc các loại quần áo mỏng tang ra phố. Việc họ mặc gì hoàn toàn là quyền của họ."

Phá vỡ rào cản xã hội

Theo tờ Thời báo Hàn Quốc, những năm 1970 được cho là điểm mốc cho sự thay đổi về trang phục và hình thể phụ nữ Hàn Quốc khi có trào lưu bắt chước phong cách mặc váy ngắn của ca sỹ Yoon Bok-hee. Kiểu thời trang này ngay lập tức được lan rộng ra khắp xứ sở Kimchi.

Phụ nữ Hàn Quốc bắt đầu mặc váy ngắn và theo đó các kiểu thời trang bó sát cơ thể cũng bắt đầu được “phô diễn” ở nơi công cộng.

Cho đến nay tại Hàn Quốc, việc mặc quần áo hở hang không còn bị coi  là “dâm đãng” như trước nữa. Hơn thế, nhiều người bắt đầu tin rằng mặc váy ngắn là thể hiện quyền tự do được lựa chọn trang phục phái yếu và họ coi đó như một phương tiện để thể hiện mình.

Luật sư Rho Sun-yung, 29 tuổi, cho rằng: “Tôi muốn được hãnh diện với cơ thể mình. Tất nhiên tôi biết hiện nay xã hội vẫn không đồng tình với việc phụ nữ khoe cơ thể mình nơi công cộng nhưng tôi nghĩ chẳng có gì sai trái trong việc khoe cơ thể mình cả.”

Cô Yoo Sang-hee, một quản lý ngân hàng tư nhân, 26 tuổi, cho rằng đây là vấn đề tự do cá nhân: “Về cơ bản, tôi được quyền quyết định mặc gì cho mình. Tôi không ngại gì việc người khác nghĩ gì về trang phục của tôi cả.”

Yoo Sang-hee cho biết cách đây vài năm, cô đã thấy phụ nữ mặc đồ siêu mỏng nhưng lúc đó, xã hội phán xét những người này như những phụ nữ lẳng lơ.

Tuy nhiên giờ đây mặc các trang phục gợi cảm đã trở thành trào lưu sau khi một số người ngôi sao nổi tiếng dám trưng diện mốt thời trang này tại các sự kiện và được mọi người chấp nhận.

Anh Song Jung-rok, 32 tuổi, kỹ sư phần mềm, lại khá phóng khoáng khi cho rằng" “Bây giờ đã làm mùa Hè. Thời tiết đã trở nên khá nóng bức. Tôi rất thương vợ tôi nếu cô ấy không được mặc quần soóc hay một chiếc áo mỏng.”

Anh Song nói “Bạn biết không, tôi sẽ rất hãnh diện về vợ mình nếu những người đàn ông khác ngắm nhìn cô ấy bởi như thế có nghĩa cô ấy rất đẹp.”

Gợi cảm hay lố bịch?

Tuy nhiên, một số người khác lại không đồng suy nghĩ như anh Song. Cô Kim Yu-lan, 24 tuổi, đã cảm thấy rất khó chịu khi chứng kiến một cảnh tượng phản cảm tại khu phố thời trang Apgujeong (ở quận Gangnam, phía Nam Seoul).

Cô Kim lúc đó đi ngang qua một cô gái mặc một chiếc váy dây màu xanh dương với chân váy lệch làm phần mông của cô gái gần như lộ hoàn toàn.

Cô Kim Yu-lan nhận xét: “Bộ trang phục đó xấu thậm tệ. Bạn trai tôi lúc đó đi cạnh tôi cũng rất ngao ngán trước cảnh đó.” Cô nói thêm: “Khi tôi mặc một chiếc váy quây, tôi thường khoác thêm một chiếc áo len mỏng trước khi đi ra ngoài. Tôi rất ghét cách những ông già nhìn những phụ nữ mặc đồ mỏng.”

Nhiều người lớn tuổi có quan điểm rất bảo thủ về vấn đề này. Họ bày tỏ những lo ngại về những vấn đề có thể nảy sinh khi kiểu quần áo kiệm vải này ngày càng được ưa chuộng.

Bà Chung, 51 tuổi, nội trợ, nói: “Con gái tôi mặc một chiếc quần rất thời trang mà nó thích. Nhưng chiếc quần đó quá ngắn và bó đến nỗi tôi phải bảo nó không được mặc nó nữa. Còn khi nó ra đường với váy ngắn, tôi phải đưa cho nó một chiếc khăn đề nó che chân nó mỗi khi nó ngồi xuống.”

Là một người mẹ, bà Chang hiểu cách ăn mặc đó rất có thể gây nguy hiểm cho con gái mình.

Bà Chung còn nói rằng cô con gái đã được bà dạy dỗ từ bé rằng đức hạnh của người phụ nữ còn nằm ở cách ăn mặc sao cho phù hợp và cô cho đến giờ vẫn rất chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ đó.

“Việc mặc quần áo mỏng giờ đây đã rất phổ biến nhưng tôi vẫn luôn phải nhắc nhở con gái không được đi quá xa.”

Đối với nam giới, có nhiều người thích “dán mắt” vào các bộ cánh mỏng tang của các cô gái, song cũng có nhiều người cảm thấy cách ăn mặc đó thật lố bịch.

Anh Koh, 26 tuổi, sinh viên đại học cho biết: “Gần đây, khi tôi đang đi tàu điện ngầm thì thấy một phụ nữ mặc váy ngắn. Tôi đã phải quay quay mặt đi hướng khác vì không muốn bị nghĩ là một kẻ có nhóm máu dê. Thật quá khó chịu khi cứ phải thận trọng trong mỗi cái nhìn của mình chỉ bởi vì cách ăn mặc hở hang của phụ nữ.”

Anh Koh còn nói thêm rằng “Một lần, khi tôi đang đi lên cầu thang ở ga tàu điện ngầm thì một cô gái mặc váy ngắn đi trước tôi chợt quay lại nhìn tôi một cách khó chịu. Chắc cô ta nghĩ tôi đang nhìn lên chiếc váy ngắn đó của cô ta. Tôi cảm thấy thật bực mình bởi lúc đấy tôi chỉ đang nhìn về trước khi bước lên cầu thang.”

Với anh Koh, “nhiều chưa chắc đã phải là tốt đặc biệt là trong vấn đề phô diễn da thịt này. Ranh giới giữa sự quyến rũ và lẳng lơ rất khó nhận biết. Nhưng khi phụ nữ khoe quá nhiều da thịt thì sự quyến rũ lại trở thành lố bịch.”

Quan điểm khác

Dẫn lời giáo sư nghiên cứu giới tính Kathleen B. Nigro thuộc Đại học Missouri-St. Louis, tờ Thời báo Hàn Quốc đưa ra nhận định rằng những lề thói về cách ăn mặc của nữ giới, cái mà phần lớn đều do nam giới đặt ra, là một dạng của áp đặt.

Theo giáo sư Kathleen B. Nigro, việc nữ giới bị áp đặt, phụ thuộc được nhận thấy rất rõ trong vấn đề phụ nữ để hở cơ thể nơi công cộng.

Bà nói thêm: “Kiểu áp đặt này thậm chí còn có sức tàn phá hơn cả chủ nghĩa bạo lực tình dục bởi vỏ bọc rất tinh tế là  bảo vệ phụ nữ nhưng thực chất là ru ngủ chị em chấp nhận sự yếu thế của mình. Do đó, việc khoe cơ thể mình thực sự không phải là vấn đề. Nó mang những ý nghĩa văn hóa khác cần phải được thẩm định một cách sâu sắc chứ không thể đánh giá một cách hời hợt."/

Anh Nguyên/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục