"Phù phép” màu cho miến

Rùng mình công nghệ “phù phép” màu cho sợi miến

Sau khi được "phù phép", miến Cự Đà ra lò, "thích màu gì cũng có" và nguyên liệu để làm màu ấy được gọi là "bột nghệ mua ở chợ Đồng Xuân!"
Những ngày gần Tết, làng miến Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có phần nhộn nhịp hơn. Những người gắn bó với nghề sản xuất miến ở đây cặm cụi với công việc của mỉnh. Mỗi người một việc, họ không ngớt chuyền tay để “phù phép” cho những tấm miến sặc sỡ bằng thứ phẩm màu độc hại mà người ta gọi là “bột nghệ” mua ở chợ Đồng Xuân! “Mục sở thị” làng miến Dạo quanh làng Cự Đà, những ngày này đâu đâu cũng thấy cảnh miến được chất cao thành từng đống. Từ đầu làng đến cuối xóm, rồi ra tới nghĩa trang, những tấm phên rải kín miến được phơi nhan nhản mặc cho ruồi bâu và bột bụi. Men theo trục đường chính dẫn vào làng, những chiếc xe máy nối đuôi nhau vào chở hàng, khiến con đường nhỏ bé, chật hẹp nhộn nhịp như trẩy hội. Trong vai những lái buôn cần mua miến về chợ Đồng Xuân tiêu thụ, chúng tôi tạt vào một khu “lò sản xuất miến” có tai tiếng gây ô nhiễm ở làng nghề, trong khi 4-5 nhân công đang tất bật với các công đoạn sơ chế miến như khuấy bột, pha màu và tráng bánh... Tại đây, gọi là “lò sản xuất miến,” song chúng chẳng khác gì ổ chuột chật chội, ẩm thấp nằm lép mình bên bờ sông Nhuệ, dòng sông được mệnh danh là một trang ba “thiên đường ô nhiễm” lớn nhất cả nước. Bước vào lò sản xuất, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc máy hoen rỉ bám đầy bụi bẩn. Bên cạnh đó, những thùng phuy, bồn xây bằng xi măng chứa nước và ngâm bột bốc mùi chua chua, ngai ngái cùng với mùi xú uế từ những cống rãnh. Phía bên ngoài, những nhân công không ngớt tay tháo gỡ và xếp những chồng tấm bánh tráng khổng lồ dính đầy bột bụi, rồi kéo lê chúng từ lề đường, nghĩa trang vào một khoảng sân nhà để tiếp tục công đoạn cắt thành những sợi miến nhỏ.
Rùng mình công nghệ “phù phép” màu cho sợi miến ảnh 1

Miến được phơi nhan nhản tại Nghĩa trang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Không để ý tới khách, họ vẫn ung dung vứt miến ngổn ngang trên một khoảng sân được tráng bằng xi măng, mặc cho nước bẩn và cát bụi. Những bàn tay thoăn thoắt cùng với đôi chân nhem nhuốc bùn đất cứ lần lượt giẫm lên từng mảng bánh để người quay máy, người se sợi và bó những sợi miến sặc sỡ màu của “bột nghệ.” Bột dong riềng lấy từ đâu? Sau gần 2 tiếng đồng hồ vất vả ghi lại hình ảnh về quy trình sản xuất miến, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm thứ nguyên liệu mà người dân Cự Đà dùng để sản xuất hàng chục tấn miến mỗi ngày. Tại một quán nước nằm ở đầu làng, chúng tôi may mắn đã gặp được ông Trịnh Văn Giao, người nông dân có thâm niên 30 năm với nghề làm miến, nay đã giải nghệ và được ông kể về sự thăng trầm cũng như những đổi thay đến rung rợn của làng nghề. Bên chén trà còn hơi nóng, ông Giao chia sẻ: “Cự Đà là làng nghề làm miến đầu tiên ở miền Bắc, nhưng mấy năm nay vì thu nhập thấp nên nhiều người đã bỏ nghề, người dân lân cận cũng không trồng củ dong nữa. Hiện cả làng nghề chỉ còn 10 hộ sản xuất miến thôi.” Theo nhẩm tính của ông Giao, thì hiện mỗi ngày một lò (một hộ) sản xuất miến ở Cự Đà chỉ sử dụng 1,2-1,5 tấn bột/ngày, giảm hơn một nửa so với những năm trước. Tuy nhiên, khi được hỏi: Số hộ làm nghề tuy đã giảm đi nhiều, song như ông nói thì nhu cầu sử dụng bột dong riềng để làm miến vẫn còn rất lớn. Vậy số bột dong riềng ấy, họ thu mua từ đâu? Khồng ngần ngại, ông Giao bộc bạch: “Giờ đào đâu ra nhiều bột dong riềng như thế nữa chú. Với lại bột ở trong nước thì đắt, mà thu mua ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì có xa xôi gì so với các cửa khẩu đâu. Nói thật, bột sản xuất miến toàn được nhập từ Trung Quốc sang thôi.”
Rùng mình công nghệ “phù phép” màu cho sợi miến ảnh 2

Bột dong riềng bốc mùi hôi thối được phơi dùng dần. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cũng theo ông Giao thì những ngày này, vì nhu cầu ngày Tết nên lượng hàng nhập về cũng tăng lên nhiều so với ngày thường. Có những hộ đã thuê xe tải chở gần trăm bao tải bột dong riềng từ các cửa khẩu về dùng dần. “Tuy nhiên, vì để lâu ngày khiến mùi rất hôi thối, bột thì mốc đen nên họ phải dùng tới thuốc tẩy trắng bột cũng như sử dụng ‘bột nghệ,’ để hóa trang cho miến,” ông Giao thật thà mách. Từ câu chuyện của ông Giao, chúng tôi lượn xe đến cơ sở sản xuất miến Cự H, ở xóm Chùa 1, làng Cự Đà đặt vấn đề cần mua miến. Như gặp được khách xộp, bà Đinh Thị Vinh, sởi lởi ra đón khách: “Các chú vào xem hàng đi, mà lấy nhiều không? cần mua bao nhiêu cũng có!” Chưa kịp khơi chuyện thì bà Vịnh uốn lời: “Hàng nguyên chất 100%, giá tại gốc rẻ hơn nhiều so với thị trường. Nếu các chú lấy nhiều, tôi sẽ giảm giá thêm.”
“Phù phép” miến bằng “bột nghệ”
Theo quan sát của chúng tôi, tại cơ sở Cự H, ngoài những thứ miến được “hóa trang” bằng màu trắng, xám, đục, còn xuất hiện loại miến có màu vàng rộm nhìn rất bắt mắt. Nhưng ẩn sau sự bắt mắt đó là tuyệt chiêu dùng hoá chất và thứ phẩm màu vô cùng độc hại mà người ta gọi là “bột nghệ,” để tạo màu. Tỏ vẻ thích thú về màu sắc của miến, chúng tôi hỏi “Những loại miến này làm bằng bột gì mà lắm màu đẹp thế? Không ngần ngại, bà Vịnh đáp: “Ừ! Toàn bột nghệ thôi. Nó cũng như đồ quần áo ấy mà, các chú thích màu gì cũng có.” Tuy nhiên, để tìm hiểu được cái thứ mà bà Vịnh gọi là “bột nghệ” ấy, lại như cuộc tìm kiếm “mò cua ở đấy biển.” Tại một cơ sở khác, chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện và đặt vấn đề cần mua khối lượng hàng lớn. Sau một hồi bấm lời và tỏ vẻ cần nhiều loại miến sặc sỡ, chủ cơ sở tên Thắng tiết lộ: “Thứ ‘bột nghệ’ ấy toàn là phẩm màu mua ở chợ Đồng Xuân thôi. Các chú thích miến màu gì, cơ sở chúng tôi cũng tạo được.” Dẫn chúng tôi vào thăm quy trình sản xuất, anh Thắng bộp chộp bảo: “Tạo màu cho miến cũng đơn giản thôi. Cứ khách cần màu gì, chúng tôi tạo màu ấy.” Theo lời anh Thắng, đầu tiên bột dong riềng được ngâm nước khoảng nửa ngày, sau đó gạn đi gạn lại rồi vớt lấy tinh bột. Nếu muốn miến có màu trắng, sau khi ngâm bột sẽ có thêm giai đoạn tẩy trắng bằng thuốc tím. Những sợi miến ra lò sẽ trắng tinh và trong như sợi cước. Còn, các loại miến có màu vàng, màu xanh nhạt hay màu xám thì lại thêm một công đoạn khác. Sau khi đun thứ “bột nghệ” đến độ sánh và đặc quánh giống như kẹo đắng sẽ tiếp tục đươc hoà với nước và đổ vào bột dong, khuấy đều lên rồi bắt đầu quy trình sản xuất miến. Mượn cớ cần điều chỉnh xe tới, chúng tôi mang câu chuyện “hóa trang” miến bằng thứ “bột nghệ” độc hại mà người làm miến ở Cự Đà đã và đang áp dụng bấy lâu nay tới gặp chính quyền địa phương. Trả lời phóng viên Vietnam+, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cự Khê, cho hay: “Việc người dân sử dụng phẩm mùa cũng như tẩy trắng có hay không tôi cũng không biết, nếu có cũng chỉ là số ít thôi.” Tuy nhiên, sau một hồi vòng vo, ông Dương cũng thừa nhận rằng, mặc dù chưa có trường hợp nào bị ngộ độc, song việc sử dụng phẩm màu cho miến là có. “Cùng với đó, vấn đề an toàn thực phẩm đối với miến ở làng nghề mấy năm nay cũng chưa thể gọi là sạch, bởi nguồn nước còn bị ô nhiễm và quá sinh sơ chế, phơi miến cũng chưa đảm bảo vệ sinh,” ông Dương ngậm ngùi./.
Theo Giáo sư Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hiệp hội Y tế công cộng Việt Nam, việc sử dụng phẩm màu để sơ chế miến sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe đối với người tiêu dùng về lâu dài.

Theo Giáo sư, người tiêu dùng ăn miến sử dụng phẩm màu có thể lần đầu không ảnh hưởng, nhưng sử dụng nhiều lần có thể nó sẽ tích tụ và đến một thời điểm nào đó sẽ phát bệnh. Giáo sư cũng cho rằng, để sản phẩm miến đảm bảo an toàn thì cần phải sản xuất theo một quy trình khép kín, đảm bảo từ nguồn bột, nước, quá trình sơ chế và nơi phơi khô. Tất nhiên, không dùng “bột nghệ” để “hóa trang” cho miến.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục